Dệt may đổi mới để phát triển
Ngành dệt may đặt tham vọng xuất khẩu 47 tỷ USD năm 2023 Ngành dệt may Việt Nam sẵn sàng trở lại trong bối cảnh mới Ngành dệt may thay đổi để phát triển |
Bà Phạm Thị Phương Hoa - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco) chia sẻ, trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thị trường trong nước và xuất khẩu trầm lắng, lượng khách hàng giảm mạnh khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng giảm theo. Không chỉ đơn hàng giảm mà đơn giá cũng giảm mạnh so với trước đây. Để hoàn thành mục tiêu của cả năm, trong những tháng cuối năm, Hugaco sẽ nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, đồng thời xây dựng chiến lược về sản xuất để phù hợp thực tế. Trước những diễn biến khó lường của thị trường cuối năm 2023, Hugaco đặt mục tiêu doanh thu năm 2023 thấp hơn năm ngoái là 750 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế là 70 tỷ đồng.
Trên thực tế, những tháng cuối năm 2023 ngành dệt may vẫn tiếp tục đối mặt với những áp lực và đòi hỏi đến từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh hóa, hàng rào kỹ thuật liên quan đến sản phẩm tái chế. Ngoài ra, những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…
Các doanh nghiệp dệt may cần có những chiến lược phù hợp với tình hình thực tế |
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho rằng, những tháng cuối năm 2023, các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi, trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài… Trước những thách thức này, Vinatex tiếp tục linh hoạt ứng phó với những diễn biến bất ổn, bất định của thị trường, thường xuyên dự báo cập nhật nhanh tình hình thị trường dệt may thế giới và trong nước, ưu tiên giữ vững lực lượng lao động trên cơ sở cân đối giữa việc làm và thu nhập, bảo toàn nguồn nhân lực để sẵn sàng “đón” cơ hội khi thị trường phục hồi; tiếp tục đầu tư theo hướng xanh hóa dệt may…
Còn theo ông Hồ Lê Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex), hiện Hanosimex đã và đang xây dựng chiến lược phát triển gắn với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào hoạt động quản lý và vận hành sản xuất. Cùng với đó, đổi mới trong mô hình kinh doanh, mở rộng tìm kiếm các đơn hàng, khách hàng và thị trường mới. Đồng thời quan tâm ứng phó với bối cảnh tổng cầu dệt may giảm, chuẩn bị sẵn sàng và thích ứng được với sản xuất linh hoạt trong tất cả các ngành, từ sợi, dệt nhuộm đến may... Trong bối cảnh tổng cầu dệt may suy giảm, Hanosimex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.390 tỷ đồng (công ty mẹ 950 tỷ đồng); Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 16 tỷ đồng.
Trong 6 tháng cuối năm 2023, thị trường dệt may và thời trang vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid-19… Chính vì vậy các doanh nghiệp cần có những chiến lược phù hợp với tình hình thực tế và nhanh chóng bắt kịp nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược phát triển xanh hóa, năng lượng tái tạo, đòi hỏi của các nước nhập khẩu. Trong đó, kể cả những hàng rào kỹ thuật mà các nước đặt ra với công nghiệp dệt may.