Nền kinh tế cần sức bật từ nhiều giải pháp ngắn và dài hạn trong 6 tháng cuối năm
Phiên thảo luận về vấn đề phục hồi tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam |
Phát biểu tại Hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho biết: “Đánh giá cung cấp thông tin cho việc ứng phó với Covid-19 và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch. Đây là đánh giá đầu tiên thực chứng tác động của Covid-19 tới các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương, tác động tới tình trạng nghèo đói và bao gồm thông tin về tình hình phục hồi sớm”.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Covid-19 ảnh hưởng khác biệt đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt là hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có lao động phi chính thức và người nhập cư, dẫn tới gia tăng cao tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập.
Toàn cảnh hội thảo |
Cụ thể, so với thời điểm tháng 12/2019 thu nhập hộ gia đình giảm sâu nhất do Covid-19 được ghi nhận vào tháng 4/2020 với mức giảm hơn 70% và 49% vào tháng 5/2020.
Thu nhập giảm sâu dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong số các hộ được khảo sát. Đáng chú ý, thu nhập giảm đã tạm thời đẩy 47,8% các hộ gia đình không nghèo vào thời điểm tháng 12/2019 xuống dưới ngưỡng nghèo (thu nhập 700 nghìn đồng cho nông thôn và 900 nghìn đồng cho khu vực thành thị).
Trước tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp quyết liệt bằng cách đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho cả người dân và doanh nghiệp như gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp 180.000 tỷ đồng, gói bảo trợ xã hội 62.000 tỷ đồng, gói tín dụng của các ngân hàng thương mại, giảm lãi suất vay ngân hàng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả thiết thực đã đạt được vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình triển khai chính sách.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban kinh tế Trung ương, tỷ lệ hỗ trợ người lao động, hỗ trợ hộ kinh doanh, cá thể, người lao động bị chấm dứt lao động chưa đủ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp cận được còn rất thấp. Các thủ tục tiến hành giải ngân chậm trễ.
Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích dự báo (CAF), Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (VASS), cho rằng nếu các gói hỗ trợ của Chính phủ được thực hiện kịp thời và bao phủ được hết các nhóm mục tiêu theo thiết kế thì tỷ lệ nghèo thu nhập quốc gia có thể đạt được ngưỡng thấp hơn, lần lượt là 17,25% và 9,9% vào tháng 4 và tháng 5 thay vì mức 26,7% và 15,8% nếu không có hỗ trợ.
Để giải quyết được vấn đề này, theo khuyến nghị của báo cáo RIM-2020, ưu tiên hàng đầu hiện tại là hỗ trợ người dân và cộng đồng dễ rơi vào nghèo đói cùng cực do đại dịch. Tác động của việc mất việc làm và sụt giảm thu nhập được cảm nhận sâu sắc nhất bởi người nghèo. Hành động của Chính phủ nên tập trung hỗ trợ nhóm hộ này.
Trước dự báo về dư địa tăng trưởng nền kinh tế đang được dự báo rất hạn hẹp, các chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam cần có những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn.
Theo ông Lưu Quang Khánh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng lên nhiều mặt kinh tế - xã hội và nhiều đối tượng, “mở rộng thị trường”, “thúc đẩy đầu tư”, “kích thích tiêu dùng” là những động lực tăng trưởng.
“Điểm mấu chốt là về dài hạn cần phải có những giải pháp vượt qua mức bình thường cho trạng thái bình thường mới của nền kinh tế. Về ngắn hạn, cần lấy tốc độ thực hiện chính sách là phương châm hàng đầu mới có thể sớm đưa nền kinh tế vào ổn định và tiếp tục phát triển”, ông Khánh nói.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị để Chính phủ tinh chỉnh các quyết định chính sách và quá trình thực hiện bảo vệ sinh kế của các hộ gia đình dễ bị tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi hoạt động của họ và đảm bảo việc làm cho người lao động.
Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự kết hợp giữa hành động sớm, có dự báo và linh hoạt của Chính phủ, và những sáng kiến của người dân, là chìa khóa thành công của Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19 và giảm thiểu những tác hại về mặc kinh tế-xã hội của đại dịch.
Trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng cần phải thúc đẩy các chính sách, tài khoá, tiền tệ đồng bộ, thậm chí nên giãn luôn 2% phí công đoàn cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, cần chú ý đến việc giải ngân vốn đầu tư công.
Cũng theo ông Thành, bên cạnh tiếp tục chống đỡ thì cần chuẩn bị cho phục hồi gắn với tái cấu trúc cải cách, bám theo chuyển dịch của thế giới về tiêu dùng đầu tư, chuyển đổi số.