Để thực thi Luật Tiếp cận thông tin đi vào thực chất
Vấn đề được các chuyên gia chia sẻ tọa đàm trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật Tiếp cận thông tin” do Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức.
Người dân đã được hỗ trợ tiếp cận thông tin bằng nhiều giải pháp |
Luôn tạo điều kiện cho người dân
Đại diện nhóm nghiên cứu “Đánh giá việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin” cho biết, trong lần đánh giá năm có những thay đổi tích cực từ phía các cơ quan nhà nước trong việc triển khai luật trên ba khía cạnh. Trong đó, công khai quy chế, đầu mối cung cấp thông tin và thiết lập chuyên mục tiếp cận thông tin có tỷ lệ cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương thực hiện cao hơn ít nhiều so với lần đánh giá năm 2019. Nhiều cơ quan nhà nước cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện đã xây dựng báo cáo tình hình thực thi Luật Tiếp cận thông tin của cơ quan mình theo yêu cầu thể hiện trong các công văn do Bộ Tư pháp ban hành.
Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật Tiếp cận thông tin, ông Nguyễn Đăng Hòa, Giám đốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã phát huy vai trò cung cấp các thông tin cập nhật, kịp thời về chế độ chính sách của tỉnh đến người dân.
Đặc biệt trong đợt dịch COVID-19, những thông tin về hướng dẫn phòng, chống dịch, các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh được cập nhật liên tục để người dân kịp thời nắm bắt. Đơn vị cũng tìm hiểu nhu cầu thông tin và nghiên cứu tâm lý của người dân để lựa chọn bố cục, sắp xếp thông tin trên giao diện. Chuyên mục hỏi đáp và đường dây nóng cung cấp thông tin cho người dân có tháng tiếp nhận và giải quyết khoảng 400-500 ý kiến. Ngoài ra, Cổng thông tin còn có fanpage hoạt động trên nền tảng Facebook và Zalo, tháng cao điểm có tới khoảng 10 triệu lượt xem.
Tương tự, ông Châu Văn Huệ, đại diện Liên minh Đất rừng (FORLAND) cũng cho biết, đơn vị tiếp cận Luật theo hướng từ dưới lên trên. Tức là nâng cao hiểu biết của người dân về quyền được cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân về cơ sở hạ tầng để người dân tiếp cận các văn bản của chính quyền địa phương thông qua bảng tin, loa truyền thanh... Đơn vị lựa chọn hỗ trợ các nhóm nòng cốt có kiến thức về công nghệ thông tin ở cùng địa bàn, nếu người dân không hiểu, chưa tiếp cận được thì sẽ có người chia sẻ, hỗ trợ được ngay.
"Đồng thời, đơn vị cũng nâng cao năng lực về truyền thông thông qua các banner, pano, poster, áp phích... để người dân hiểu về quyền và trách nhiệm tiếp cận thông tin. Củng cố cơ sở hạ tầng ở cấp xã để người dân có thể tiếp cận được ngay. Tập huấn cho các cán bộ nòng cốt để họ hiểu về Cổng thông tin điện tử, cách khai thác, truy cập thông tin thì mới thể hỗ trợ người dân bất kỳ lúc nào", ông Châu Văn Huệ nói.
Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các thủ tục và quy trình về công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân. Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc CEPEW cho rằng, vai trò của giới báo chí và các tổ chức xã hội là rất quan trọng, đặc biệt là trong việc thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin, theo dõi và hỗ trợ thực hành của các cơ quan nhà nước trong thực hiện công khai thông tin.
Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Thống kê cho thấy, trong số 315 cơ quan nhà nước được gửi thư yêu cầu cung cấp thông tin, chỉ 27,9% cơ quan cung cấp thông tin; 5,7% số cơ quan từ chối cung cấp thông tin; 7,9% số cơ quan thể hiện chưa nắm được quyền yêu cầu cung cấp thông tin của công dân, đại diện nhóm nghiên cứu thông tin.
Bàn về những khó khăn trong quá trình thực thi Luật tiếp cận thông tin, ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị gặp khó khăn về nguồn lực và cơ sở hạ tầng cung cấp thông tin. Cán bộ phụ trách đầu mối thông tin là cán bộ văn phòng - thống kê kiêm nhiệm với khối lượng công việc nhiều. Nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động cung cấp thông tin còn hạn chế... Ngoài ra, cơ sở vật chất, máy tính chưa đáp ứng được nhu cầu.
Trong số các khuyến nghị tới các cơ quan nhà nước ở lần đánh giá này, bà Nguyễn Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự và hành chính (Bộ Tư pháp) đề xuất một số nội dung công việc mỗi cơ quan nhà nước cần làm. Cụ thể, ban hành và công bố công khai quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm; trang bị phương tiện kỹ thuật, bố trí cán bộ hướng dẫn, giải thích, giúp đỡ người không biết chữ, người khuyết tật...; lập, duy trì và cập nhật danh mục thông tin phải công khai và thông tin công dân được tiếp nhận; phân công và công khai đầu mối cung cấp thông tin...