Nếu thả nổi, lãi suất không biến động nhiều
LS. Trương Thanh Đức |
Năm nay, để đạt được kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% - 17% không phải đơn giản. Sẽ rất nguy hiểm nếu các ngân hàng bằng cách này hay cách khác, thậm chí hạ chuẩn tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng. Vì sự rủi ro này sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức, mà thường sau 6 tháng đến 1 năm, thậm chí 2 - 3 năm nợ xấu mới "lộ diện" theo chu kỳ kinh doanh.
Theo tôi, hiện các NHTM cũng không dám hạ chuẩn để tín dụng tăng vì một số ngân hàng vẫn đang phải đau đầu giải quyết hậu quả của sự tăng cung tín dụng quá mức trước đây. Do đó, nhiều ngân hàng chỉ tăng tín dụng ở mức hợp lý, dựa trên nguồn lực vốn, nhân lực cũng như sự hấp thụ vốn của thị trường. Để các DN tiếp cận được vốn, đẩy tăng trưởng tín dụng, ngoài việc chấp nhận giảm lãi suất, giảm lợi nhuận, các ngân hàng cần sâu sát hơn tới hoạt động của khách hàng để kịp thời gỡ khó cho họ. Có sự hỗ trợ của ngân hàng, sẽ góp phần giúp cho hiệu quả kinh doanh của khách hàng được như mong muốn; đồng thời đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Có ý kiến cho rằng, thời điểm này đã có thể thả nổi lãi suất. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi đồng tình với ý kiến trên. Dù vừa qua khi bỏ trần lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng đã có những ngân hàng gây xáo trộn nhất định cho thị trường. Nhưng nếu như trước đây mức vượt trần lãi suất của các ngân hàng lên đến 4% - 5%/năm, giờ chỉ còn 2% - 3%/năm. Do đó, nếu để tự do lãi suất, thì mức tăng chỉ như vậy, không thể hơn được. Trong trường hợp có biến động, lộn xộn, NHNN sẽ có công cụ kiểm soát, khống chế. Ví dụ, nếu ngân hàng nào tăng lãi suất quá mức so với thị trường, NHNN sẽ ngay lập tức yêu cầu họ giảm tăng trưởng tín dụng. Mặt khác, NHNN cũng cần phân hạng rõ các NHTM và công bố ra công chúng để khách hàng cân nhắc, lựa chọn cả khi gửi lẫn khi vay vốn. Nếu không làm như vậy, mà NHNN vẫn cam kết không để NHTM nào đổ vỡ, thì người gửi tiền vẫn sẽ đến ngân hàng nào lãi suất cao nhất để gửi.
Điều chúng ta quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào để kích cầu. Ông có giải pháp nào?
Theo tôi, nếu có thể thì điều chỉnh giảm thuế thu nhập cá nhân từ bậc 2 trở lên sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Việc tăng thời gian cho các kỳ nghỉ cũng sẽ kích thích người dân đi du lịch, mua sắm. Một giải pháp nữa mà một số nước trên thế giới thực hiện khá hiệu quả là với đối tượng thu nhập cao, thay vì trả lương, công ty trả phiếu mua hàng và phiếu này có giá trị trong một thời hạn nhất định, có thể 30 - 90 ngày. Mặt khác, tuy không phải biện pháp trực tiếp kích cầu nhưng, việc đẩy mạnh đầu tư công vào những lĩnh vực cần thiết như giao thông, hạ tầng cơ sở... sẽ làm tăng cầu về vật liệu xây dựng, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động…từ đó sẽ gián tiếp tăng chi tiêu của xã hội. Đây là giải pháp quan trọng để kích cầu không chỉ cho DN sản xuất, mà với nhiều đối tượng khác trong xã hội.
Cảm ơn ông!
Thanh Huyền thực hiện