Ngân hàng - cầu nối “người Việt dùng hàng Việt”
Agribank chung tay thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam | |
Hàng Việt nhiều triển vọng xuất sang EU |
Tiên phong các giải pháp kết nối
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2020-2022 việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được những kết quả khá tích cực. Theo đó, đã có trên 191.300 dự án, công trình, sản phẩm, dịch vụ của các công ty trong khối doanh nghiệp có vốn Nhà nước sử dụng vật tư, nguyên liệu, trang thiết bị được sản xuất tại thị trường nội địa. Các doanh nghiệp lớn trong nước đã có trên 1.500 lượt ký kết thỏa thuận sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, với tổng giá trị ký kết đạt khoảng 1.400 tỷ đồng.
Bộ Công Thương đánh giá hệ thống Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV là những ngân hàng tham gia tích cực vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với hàng loạt các giải pháp kết nối thanh toán, cho vay ưu đãi lãi suất, hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm và đưa sản phẩm, dịch vụ lên các sàn thương mại điện tử…
Các ngân hàng và trung gian thanh toán hỗ trợ doanh nghiệp, nhà vườn đưa nông sản lên các sàn giao dịch điện tử. |
Ghi nhận tại Agribank cho thấy, trong các năm qua, với vai trò “đại sứ thương hiệu”, ngân hàng này đã đầu tư sâu rộng cho hoạt động phát triển các mô hình sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy hải sản. Bằng việc tài trợ vốn cho các mô hình doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Agribank đã giúp hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng triệu hộ dân đưa sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng trong nước, thông qua hệ thống các chuỗi siêu thị, các sàn thương mại điện tử và các chợ đầu mối có liên kết giữa các địa phương.
Ở các lĩnh vực khác như thanh toán mua sắm dịch vụ công, bảo lãnh vay vốn, cấp tín dụng cho các chương trình, dự án trong hệ sinh thái các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV… cũng tham gia tích cực vào các hoạt động kết nối sử dụng chéo các sản phẩm, dịch vụ.
Thống kê của Vietcombank cho thấy, trong vòng 3 năm qua, ngân hàng này đã lần lượt kết nối, hợp tác toàn diện với hơn 30 tổng công ty, tập đoàn trong nước để bán chéo các sản phẩm dịch vụ, đồng thời tạo ra hệ sinh thái mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp thành viên.
Trong khi đó, BIDV và VietinBank, với các chiến lược thúc đẩy kết nối khách hàng, trong những năm qua, mỗi ngân hàng đã tung ra hàng chục gói tín dụng phục vụ các chuỗi giá trị ngành hàng, hỗ trợ phục hồi sản xuất và kích cầu nội địa.
Không chỉ các ngân hàng quy mô lớn, nhiều ngân hàng khối cổ phần cũng tham gia sâu rộng vào hoạt động kết nối doanh nghiệp trong nước, tài trợ vốn cho các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình bình ổn thị trường và các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ đạo có thế mạnh tại các địa phương.
Đơn cử, tại TP.HCM, trong năm 2022 các TCTD đã cam kết tài trợ khoảng 400.000 tỷ đồng tín dụng cho chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Hệ thống ngân hàng tại TP.HCM cũng đang cho vay lũy kế đến nay là khoảng 6.000 tỷ đồng đối với chương trình bình ổn thị trường và cam kết duy trì mức lãi suất ưu đãi 5,9%-6,4%/năm (ngắn hạn) và 6,5%-10%/năm (trung, dài hạn) để các doanh nghiệp ổn định mặt bằng giá và thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Hỗ trợ số hóa và đa dạng kênh phân phối
Theo ghi nhận của phóng viên Thời báo Ngân hàng, vai trò cầu nối của các ngân hàng trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn được thể hiện khá rõ nét trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và kết nối sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, người dân với các sàn thương mại điện tử.
Chẳng hạn, trong các năm vừa qua, lần lượt các ngân hàng như VietinBank, MB, BIDV đã đầu tư hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp là khách hàng của mình.
Theo đó, VietinBank hợp tác với Opportunity Network cung ứng dịch vụ kết nối 28.000 doanh nghiệp ở 120 quốc gia để tìm kiếm đối tác mua bán hàng hóa, huy động vốn và mở rộng thị trường.
MB với ứng dụng Biz MBBank đã kết nối hơn 1.000 doanh nghiệp để áp dụng các tính năng quản lý dòng tiền, quản lý chuỗi cung ứng, thanh toán, trả lương nhân viên…
Trong khi đó, BIDV hợp tác với MISA triển khai chương trình SME Digitrans, hỗ trợ 600 doanh nghiệp chuyển đổi số nhằm tăng năng suất, đáp ứng các yêu cầu tham gia chuỗi cung ứng trong hệ sinh thái các ngành hàng.
Ở khía cạnh hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa các kênh tiêu thụ nông sản, hệ thống NHTM và các trung gian thanh toán đã tham gia tích cực vào việc đưa nông sản trái cây lên các sàn giao dịch điện tử.
Theo đó, trong thời gian qua, lần lượt các loại trái cây đặc sản như: vài thiều, mận hậu, xoài tròn, dừa xiêm, bưởi da xanh,… đều đã được hệ thống các ngân hàng hỗ trợ miễn giảm các loại phí giao dịch khi đưa lên sàn.
Đồng thời, các ngân hàng, ví điện tử cũng đã hợp tác với các nhà bán lẻ, các trang thương mại điện tử lớn, như; Shopee, Cuccu.vn, Lazada, Voso.vn triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá 20-30% đơn hàng, miễn các loại phí giao dịch khi thanh toán trực tuyến để giúp doanh nghiệp, nhà vườn đưa nông sản đến tay người tiêu dùng trong nước.
Ở góc độ liên kết các vùng nguyên liệu và đa dạng kênh phân phối, hệ thống ngân hàng cũng tham gia khá mạnh trong hoạt động tài trợ vốn cho các chuỗi giá trị liên vùng.
Chẳng hạn, từ năm 2021 đến nay, hàng chục NHTM đã tham gia hợp tác và cam kết tài trợ vốn cho các tập đoàn lớn như Masan, Nam Miền Trung, Lộc Trời, C.P, Vinamilk… để phát triển các vùng nguyên liệu chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và xây dựng các mô hình liên kết ngành lúa gạo, trái cây.
Bằng việc tham gia kết nối khép kín “bốn nhà”, trên thực tế hệ thống ngân hàng đã giúp hàng triệu hộ dân gia nhập vào các mô hình sản xuất nông nghiệp bao tiêu sản phẩm, đồng thời giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh đa dạng kênh phân phối trong nước, từ đó tiêu thụ hiệu quả hàng hóa nông sản ngay tại thị trường nội địa.