Ngân hàng đồng hành với nền kinh tế
Tái khởi động nền kinh tế thời hậu dịch: Ngành Ngân hàng đồng hành với nền kinh tế |
Đồng loạt cắt giảm lợi nhuận
Trong tháng 4 đã có một số ngân hàng cổ phần tổ chức đại hội cổ đông, song đều rất gọn nhẹ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Điểm đáng lưu ý lớn nhất trong mùa đại hội cổ đông năm nay là nhà đầu tư không đặt nặng chỉ tiêu kinh doanh cho ban điều hành. Ngay cả những ngân hàng đang chuẩn bị đại hội cũng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cắt giảm mạnh lợi nhuận trong bối cảnh các ngân hàng đang nỗ lực hỗ trợ người dân, DN vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Ông Lê Đức Thọ – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank cho biết, ngân hàng dự kiến giảm khoảng 4.000 tỷ đồng lợi nhuận tương đương với hơn 30% kế hoạch lợi nhuận ngân hàng xây dựng trong năm 2020 để có nguồn lực tài chính giảm lãi vay và giảm phí cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ lợi nhuận cắt giảm này dựa trên những số liệu về tình hình dịch bệnh diễn biến ở thời điểm cuối tháng 4 và không kéo dài phức tạp hơn so với cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Theo Chủ tịch VietinBank, mỗi chi nhánh giảm lãi suất sẽ được ghi nhận ngay vào kế hoạch lợi nhuận năm để hội sở chính trừ đi số chỉ tiêu kinh doanh đã giao trong kế hoạch năm.
Trong khi Vietcombank vừa đồng loạt giảm lãi suất đợt 2 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với đợt giảm lãi suất trên diện rộng lần này, dự kiến lợi nhuận của Vietcombank chia sẻ cho khách hàng trên 2.240 tỷ đồng. Trước đó, Vietcombank đã triển khai hàng loạt giải pháp ưu đãi dành cho khách hàng như giảm lãi suất cho vay đợt 1, triển khai chương trình cho vay mới với quy mô dư nợ 30.000 tỷ đồng với lãi suất siêu thấp từ 4,5-5% năm.
Tổng giám đốc Agribank cũng cho biết, ngân hàng đã xây dựng lại chỉ tiêu kinh doanh theo ba kịch bản tốt, xấu và trung bình. Trong đó kịch bản tốt là khi dịch bệnh kiểm soát trong quý II và quý III lợi nhuận giảm 20%. Tuy nhiên, để đảm bảo lương cho người lao động ở các chi nhánh của Agribank, hội sở sẽ gánh hết toàn bộ doanh thu giảm do các chi nhánh thực hiện giảm lãi vay và cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh giảm lợi nhuận, nhiều ngân hàng còn cắt giảm lương, thưởng của đội ngũ cán bộ cao cấp để có nguồn chia sẻ với DN. Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm tuyên bố cắt giảm lương, thưởng của ban điều hành ngân hàng này lên đến 3.000 tỷ đồng mà không giảm lương để giữ chân người lao động. Trong khi đó SHB dự kiến lợi nhuận giảm trong năm nay 27% so với kế hoạch.
Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB cho biết trong kế hoạch điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm 2020, ngân hàng giảm 50% lương cán bộ cao cấp, người lao động có tiền lương trên 20 triệu đồng một tháng giảm từ 10%-50%. “Chúng tôi xác định hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 chính là hỗ trợ mình, khi môi trường kinh doanh tốt sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng kinh doanh”, ông Đỗ Quang Hiển nói.
Không chỉ các ngân hàng lớn, mà các ngân hàng nhỏ cũng tích cực vào cuộc. Đại diện Nam A Bank cho biết, Nam A Bank cũng đang cân nhắc kế hoạch lợi nhuận 2020 để trình đại hội đồng cổ đông thông qua, trong đó có điều chỉnh phương án lợi nhuận phù hợp với tình hình hiện nay nhằm chung tay cùng Chính phủ khắc phục khó khăn cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc không chia cổ tức (tiền mặt), tiết giảm chi phí hoạt động giúp ngân hàng sử dụng nguồn lực để hỗ trợ khách hàng thông qua hàng loạt các chính sách như giảm lãi suất, cơ cấu nợ... Đây không chỉ là hoạt động cần thiết của ngân hàng nhằm chia sẻ với khách hàng trong giai đoạn khó khăn, mà còn là cơ sở để ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, hướng đến hoạt động an toàn hiệu quả. Một lãnh đạo ngân hàng này cho biết, đây cũng chính là mong muốn của nhiều cổ đông, thể hiện sự đồng lòng của các cổ đông Nam A Bank trong hoạt động kinh doanh.
Gia hạn nợ có ý nghĩa hơn giảm lãi vay
Một quỹ đầu tư đang quản lý phần vốn góp vào 3 ngân hàng cổ phần nói, dịch bệnh Covid-19 lan rộng khắp toàn cầu gây đình trệ hoạt động sản xuất và giao thương, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, nên các nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với ngân hàng. Thậm chí nhà đầu tư phải chấp nhận những rủi ro khách quan từ thiên tai, dịch bệnh, thậm chí lời ăn lỗ chịu khi sức cầu trên thị trường đang sụt giảm mạnh.
Hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao ở TP.HCM |
Trên thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sụt giảm mạnh trong tháng 3, tháng 4 khiến nhu cầu tín dụng giảm theo. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đến cuối tháng 3 tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,3% so với cuối năm 2019. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng tín dụng của cùng kỳ nhiều năm trước. Tuy nhiên Tổng giám đốc Agribank cho rằng nếu kịch bản dịch bệnh kiểm soát tốt trong quý II khả năng cho vay trở lại của ngân hàng bật tăng trở lại sẽ rất mạnh. Theo kinh nghiệm nông nghiệp nông thôn các năm, có những ngày cho vay từ 5.000-10.000 tỷ đồng/ngày nên tốc độ tăng trưởng tín dụng bật tăng trở lại khi dịch bệnh qua đi là khả quan. Vừa qua, Agribank đã tung ra gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cũng là nhằm đón đầu cơ hội khi dịch bệnh giảm đi ngân hàng sẽ tập trung cho vay mới.
Chủ tịch VietinBank cho rằng, nhu cầu của DN bị ảnh hưởng Covid-19 hiện nay là được cơ cấu nợ chứ không phải giảm lãi khoản vay cũ. Những DN cần giảm lãi suất vay mới lúc này thuộc các lĩnh vực như: sản xuất kinh doanh điện, nước sinh hoạt, sản xuất vật tư y tế, thuốc, lương thực thực phẩm… VietinBank vẫn đang cho vay vốn rất tốt, đặc biệt ngân hàng còn đẩy mạnh cho vay đối với các siêu thị, cửa hàng tiện ích phân phối các sản phẩm thiết yếu cho người dân, lãi vay của nhóm DN đang hoạt động này cũng được giảm từ 1-1,5% so với các khoản vay cũ DN vay trước đó.
Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV thuộc Hiệp hội DN TP.HCM cho biết, do tình hình sản xuất kinh doanh xuống thấp nên hiện nay nhu cầu vay vốn mới chủ yếu đến từ các DN ngành hàng thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống. Còn phần đông DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng đề nghị được gia hạn nợ. "Chúng tôi mong muốn các ngân hàng gia hạn nợ, giảm lãi vay tùy theo từ nhu cầu của DN để vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh hiện nay”, ông Tuệ nói. |