Ngân hàng gia cố “bộ đệm” phòng ngừa rủi ro
Số liệu về tình hình kinh doanh quý III/2022 vừa được các ngân hàng công bố cho thấy nhiều nhà băng đã mạnh tay trích lập dự phòng ở mức cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Chẳng hạn như tại Saigonbank, tại thời điểm cuối tháng 9/2022 chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này tăng lên 183 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại ABBank, chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng này cũng tăng gần 19% so với cùng kỳ lên 962,8 tỷ đồng vào cuối tháng 9.
Ảnh minh họa. |
Ông Đỗ Lam Điền - Phó Tổng giám đốc ABBANK cho biết, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng do trích lập bổ sung dự phòng để mua lại trái phiếu đặc biệt từ VAMC. Đồng thời ngân hàng thay đổi cách ghi nhận chi phí dự phòng theo quy định mới. Việc tăng nguồn dự phòng rủi ro sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn việc xử lý rủi ro trong thời gian tới.
Trước việc các ngân hàng mạnh tay tăng trích lập dự phòng so với cùng kỳ, TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, một phần nguyên nhân do việc các tổ chức tín dụng chấp hành Thông tư số 11/2021/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 11 có hiệu lực từ 1/10/2021).
Thông tư 11 có những quy định chặt chẽ hơn nên mức trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng cũng tăng so với cùng kỳ, chưa kể tỷ lệ nợ xấu cũng có xu hướng tăng, theo ông Linh.
Ngoài ra, việc ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, sức mua của người dân cũng giảm sút ảnh hưởng đến sự phục hồi của các doanh nghiệp sau dịch, khả năng hoàn trả nợ của nhiều doanh nghiệp đang không được đảm bảo. Nguy cơ tiềm ẩn tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong thời gian tới là hiện hữu. Do đó, các nhà băng đã chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro để có nguồn xử lý nợ xấu trong tương lai.
Đánh giá về tỷ lệ nợ xấu, ông Linh cho rằng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang tăng lên ở nhiều ngân hàng nhưng có sự phân hoá. Ngân hàng top dưới có tỷ lệ nợ xấu tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận trong năm nay. Nhưng với các ngân hàng lớn thì mức độ ảnh hưởng không cao vì quản trị rủi ro tốt và những ngân hàng này trích lập dự phòng không chỉ với những khoản nợ xấu mà cả những khoản nợ xấu tiềm tàng..
Theo thống kê các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, số lượng ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% ngày càng gia tăng. Những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 200% khá phổ biến, trong đó đáng chú ý nhất là Vietcombank với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới hơn 500%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn 100% cho thấy, trong trường hợp xấu nhất là toàn bộ nợ xấu không thể thu hồi được thì ngân hàng vẫn còn dự phòng để xử lý và không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Còn nếu trường hợp nợ xấu thu hồi được, ngân hàng còn có thể hoàn nhập dự phòng, từ đó được xem như “của để dành” cho tương lai. Những ngân hàng có chiến lược phòng thủ và sở hữu tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng duy trì mục tiêu kép là tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng tài sản tốt.
Trong báo cáo mới nhất, Agriseco Research cũng ghi nhận đa số các ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao kỷ lục. Việc này sẽ giúp những ngân hàng này củng cố bộ đệm an toàn vốn khi các khoản nợ tái cơ cấu hoặc nợ có vấn đề chuyển nhóm nợ xấu, đồng thời tạo nguồn lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng trong tương lai.
Agriseco Research đánh giá, rủi ro nợ xấu là hiện hữu nên phải tiếp tục theo dõi sát sao. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh việc trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục, công tác quản trị rủi ro đang ngày càng được nâng cao trong hệ thống ngân hàng, nên vấn đề nợ xấu không quá lo ngại.