Ngân hàng gia cố bộ đệm vốn để mở rộng kinh doanh
70% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh Ngân hàng ưu đãi, doanh nghiệp mở rộng kinh doanh |
Thống kê cho thấy tổng số vốn điều lệ dự kiến tăng thêm trong năm 2023 của 28 ngân hàng công bố thông tin lên tới hơn 163.000 tỷ đồng. Con số vốn tăng thêm này cao hơn mức 154.000 tỷ đồng của năm 2022 (theo kế hoạch) và gấp 1,6 lần kế hoạch tăng thêm 100.000 tỷ đồng của năm 2021.
SHB cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài năm nay |
Tại ĐHCĐ vừa qua, kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng đều được cổ đông thông qua. MB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm hơn 9.000 tỷ đồng, lên 54.363 tỷ đồng. HDBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ hơn 25.303 tỷ đồng lên xấp xỉ 29.300 tỷ đồng… Ngay trong đầu tháng 6 này, LPBank đã được NHNN chấp thuận tăng vốn từ 17.291 tỷ đồng, lên mức 28.676 tỷ đồng thông qua nhiều phương án: Phát hành cổ phiếu trả cổ tức; Phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài... OCB cũng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 6.849 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu...
Một tin tích cực nữa đối với hoạt động tăng "bộ đệm" dự phòng của ngân hàng là đề xuất tăng vốn thêm 17.100 tỷ đồng giai đoạn 2021-2023 đối với Agribank đã nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội. Là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất, đầu tư chủ lực cho nông nghiệp nông thôn, nhưng vốn điều lệ của Agribank đến cuối năm 2022 là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các NHTM Nhà nước, thậm chí thấp hơn một số NHTMCP khác như Techcombank (gần 35.200 tỷ đồng), MB (hơn 45.300 tỷ đồng), VPBank (hơn 67.400 tỷ đồng). Do vậy, theo lãnh đạo Agribank, việc được bổ sung thêm vốn, không chỉ nâng cao năng lực tài chính, là cơ sở để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động, đáp ứng nhu cầu vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời giúp Agribank cải thiện xếp hạng tín nhiệm, tăng giá trị thặng dư khi cổ phần hoá. Tuy nhiên, trước mắt, lãnh đạo ngân hàng bày tỏ mong muốn, sớm được cấp vốn 6.753 tỷ đồng như kế hoạch được phê duyệt để đảm bảo ngân hàng có dư địa để tăng room tín dụng 7,5% như NHNN giao từ đầu năm. "Nếu không được cấp đủ vốn, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ tăng được 3,5%, ảnh hưởng đến cung ứng vốn cho khu vực tam nông; Còn nếu được cấp đủ số vốn trên, tăng trưởng tín dụng ngân hàng có thể đạt tối đa 9%", lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.
Không chỉ trông chờ từ nguồn lực nội, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hút vốn ngoại để tăng vốn. Trong quý II/2023 này, hàng loạt ngân hàng đã nhận về khoản tiền lớn nhờ các hợp đồng bán vốn ngoại đã ký trước đó. Cụ thể, dự kiến vào khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới, sau khi hoàn tất thủ tục, VPBank cũng sẽ nhận thêm 32.310 tỷ đồng nữa từ thương vụ bán 15% vốn cho SMBC. Trước đó, giữa tháng 4/2023, ngân hàng này đã nhận khoản đặt cọc 3.590 tỷ đồng... Có thêm gần 36.000 tỷ đồng từ thương vụ bán vốn, lãnh đạo VPBank cho biết, sẽ tăng cường bộ đệm vốn, giúp ngân hàng mở rộng phạm vi kinh doanh, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (trong đó có các khách hàng FDI), hiện thực hóa các tham vọng tăng trưởng cao. Đây là lý do năm nay, VPBank nằm trong số ít ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng cao: tín dụng tăng 35%, huy động vốn tăng 36%...
Ngoài thương vụ thành công, còn một số ngân hàng đang lên kế hoạch bán vốn cho cổ đông ngoại với giá trị ước tính lên tới hàng tỷ USD. Trong đó, đáng lưu ý nhất là trường hợp của Vietcombank và BIDV. Cụ thể, Vietcombank đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư tài chính nước ngoài, số lượng cổ phiếu phát hành là 307,6 triệu, thực hiện trong năm 2023-2024. Với giả định giá phát hành ở mức 100.000 đồng/cổ phiếu (mức giá đóng cửa phiên ngày 8/6/2023), thương vụ này sẽ mang về cho Vietcombank hơn 30.700 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, thương vụ này đang ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024.
Ông lớn nữa là BIDV có kế hoạch chào bán riêng lẻ 9% vốn (455,3 triệu cổ phiếu) ngay trong năm nay. Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV cho biết, một số nhà đầu tư tiềm năng đã làm việc với ngân hàng nhưng không thể công bố được. BIDV sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023. Một số NHTMCP như SHB, LPBank cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài năm nay. Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, SHB đã xoay chuyển chiến lược từ tìm kiếm nhà đầu tư dài hạn, lâu dài sang nhà đầu tư tài chính trung hạn (3 - 5 năm) do xuất phát từ nhu cầu của nhà đầu tư. Dự kiến, cuối năm nay hoặc đầu năm sau, SHB sẽ có những “chàng rể” trung hạn.