70% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh
Kết quả trên vừa được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố sáng ngày 4/3, dựa trên “Khảo sát thực trạng của các DN Nhật Bản đầu tư tại châu Á, châu Đại Dương năm tài chính 2018”.
Trưởng đại diện Jetro Hà Nội Kitagawa Hironobu (trái) và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng. |
Ông Kitagawa Hironobu, Trưởng Đại diện Văn phòng Jetro tại Hà Nội cho biết, với kết quả hoạt động tích cực như vậy, khoảng 70% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh. So với các nước khác tham gia khảo sát, tỷ lệ DN mong muốn tiếp tục mở rộng tại Việt Nam là tương đối cao. Ngay cả đối với những DN thành lập trước năm 2010 cũng có 67,1% có phương châm mở rộng. Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng.
Trong số các lý do chính của việc mở rộng, thì tăng doanh thu là lý do lớn nhất. Yếu tố tiếp theo là các DN kỳ vọng vào tiềm năng và tính tăng trưởng cao.
Đánh giá về các lợi thế của môi trường đầu tư Việt Nam, DN Nhật Bản tiếp tục cho rằng quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng là lợi thế lớn nhất. Cùng với đó, khi so sánh với các quốc gia khác thì chi phí nhân công rẻ cũng là lợi thế được các DN Nhật Bản đề cập đến.
Về rủi ro môi trường đầu tư mà các DN gặp phải, trong số 5 hạng mục đứng đầu thì có 4 hạng mục đã được cải thiện. Cụ thể, 4 yếu tố gồm: chi phí nhân công tăng cao, các thủ tục về thuế còn phức tạp, thủ tục hành chính phức tạp, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao, đều cải thiện hơn so với năm ngoái. Đặc biệt là tỷ lệ nội địa hoá có cải thiện đáng kể.
Ông Kitagawa cho biết thêm, tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam trong năm 2018 đạt 36,3%, tốc độ tăng cao nhất so với các nước tham gia khảo sát. Đây cũng là năm đầu tiên tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đã vượt Malaysia. Điều đó cho thấy trong các năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá. Tuy nhiên so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì tỷ lệ này vẫn thấp hơn và cần cố gắng nhiều hơn nữa.
Đáng nói là trong các rủi ro của môi trường đầu tư, hạng mục “hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng” lại cao hơn năm trước là 48,2%, tăng 1,3 điểm phần trăm.
Có nhiều hơn số DN Nhật Bản phàn nàn về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng. |
“Chúng tôi nhận được những phàn nàn của DN về cơ chế luật pháp chưa hoàn thiện, vận hành chưa thân thiện. Nhiều DN thấy chưa rõ ràng trong việc phải lập các quỹ phòng chống thiên tai, họ không biết quỹ được lập vào mục đích gì, số tiền thu được tính toán trên cơ sở nào. Hoặc các thủ tục, cơ chế thuế còn phức tạp, luật pháp còn rắc rối và thường xuyên bị thay đổi, điều chỉnh”, ông Kitagawa Hironobu dẫn chứng.
Ngoài ra, các DN Nhật Bản còn than phiền về sự phức tạp trong thủ tục hành chính và thiếu minh bạch trong vận hành chính sách của chính quyền địa phương. Ví dụ, thủ tục xin giấp phép lao động khá rắc rối và phức tạp, DN không biết mình phải nộp loại giấy tờ gì; hoặc họ không rõ chính sách bảo hộ ngành sản xuất ô tô ở Việt Nam trong tương sẽ được xây dựng như thế nào. Khi không có chiến lược tổng thể, DN rất khó xây dựng chiến lược kinh doanh của mình.
Bình luận về kết quả khảo sát, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết số lượng DN Nhật Bản làm ăn có lãi tại Việt Nam tăng lên và năm 2018 đạt mức 65% là rất đáng quý, đặc biệt nếu so sánh số với lượng các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam báo lỗ là khoảng 52%.
Bên cạnh đó, khoảng 70% DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam cho biết muốn mở rộng đầu tư, cũng đạt cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát. Con số này đã thể hiện rõ môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn duy trì tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư Nhật Bản.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng đồng tình với các rủi ro mà DN Nhật Bản chỉ ra, đặc biệt về môi trường đầu tư chưa hoàn thiện, pháp luật vận hành thiếu minh bạch. Ông Thắng khẳng định, năm 2019 Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để khắc phục các vấn đề này.
Ngoài ra, với một số phản ánh cụ thể như tiền đóng cho các quỹ, hay sự thay đổi chế độ chính sách thuế, đúng là trong năm 2018 với tư cách cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được một số phản ánh cụ thể về những vấn đề này.
“Các phản ánh này rất chính xác, chúng tôi xin tiếp thu và sẽ có xử lý triệt để vấn đề này trong các năm tiếp theo”, ông Thắng nhấn mạnh.