Ngân hàng không đứng ngoài cuộc chơi chuyển đổi số
Từng bước đi đúng hướng và mạnh mẽ
Phát biểu tại phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2020, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam cho rằng: Cuộc sống của chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và các ngân hàng sẽ phải thay đổi. Việc chuyển đổi số không chỉ giúp ngân hàng tăng doanh thu mà còn giảm chi phí, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Chính vì vậy, ngân hàng truyền thống sẽ phải số hóa, đổi mới tư duy chiến lược từ “hạn chế bị ảnh hưởng” sang “chủ động đổi mới”.
Theo bà Dương, trong bối cảnh năm 2025, dự kiến khoảng một phần ba doanh thu của ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình mới. Có thể kể đến như cho vay tiêu dùng sẽ được số hóa hoàn toàn, cho vay thế chấp cũng được số hóa hoàn toàn với các mô hình chấm điểm tín dụng mới.
Toàn cảnh phiên thảo luận |
Trong 5 hình thái của chuyển đổi số ngành Ngân hàng, ở Việt Nam, hình thái ngân hàng số đang ở giai đoạn đầu của cuộc chơi, các ngân hàng đang số hóa các dịch vụ, hướng tới dịch vụ một kênh. “Tiếp theo đây, các nền tảng tài chính - ngân hàng lấy khách hàng làm trung tâm, giúp khách hàng tiếp cận nhiều tổ chức tài chính - ngân hàng khác nhau thông qua một kênh duy nhất sẽ trở thành xu thế”, bà Dương nhấn mạnh.
Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Sản phẩm, Trung tâm không gian mạng Viettel cũng chia sẻ những số liệu thú vị: Có đến 40% khách hàng châu Á cho biết họ thích sử dụng Digital Banking; trong đó, 50% ở độ tuổi dưới 40. Chắc chắn, tỷ lệ này sẽ gia tăng trong tương lai, cùng với một xu thế dễ nhận thấy là số tiền gửi và các khoản vay chuyển dịch dần sang hình thức trực tiếp phù hợp với xu hướng thương mại điện tử.
Trong cuộc chơi chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp, tích hợp hệ thống VNPT, ngành Ngân hàng đã và đang thực hiện chuyển đổi rất tốt, các ngân hàng Việt Nam đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số. Minh chứng là khách hàng đã thực hiện được nhiều hoạt động trên nền tảng số.
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, các chuyên gia cho rằng chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng vẫn đang còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể, bà Nguyễn Thùy Dương chỉ ra 4 điểm vướng mắc cho vấn đề phát triển ngân hàng số ở Việt Nam đó là: Thiếu liên hệ với chiến lược kinh doanh, khi phần lớn ngân hàng không xác định rõ tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh của mình.
Về khung pháp lý, bà Dương cho rằng chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới. Bên cạnh đó, phương thức làm việc theo lối cũ, chưa có tư duy làm việc theo phương pháp mới cũng là một hạn chế. Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng đều gặp thách thức với hệ thống hiện tại và vấn đề này cần được giải quyết ở chiến lược công nghệ thông tin.
Trợ lực hiệu quả từ chính sách
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp, tích hợp hệ thống VNPT, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay của quá trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực là định danh và xác thức điện tử. Riêng đối với ngành Ngân hàng, gần như các hoạt động đều liên quan đến danh tính người dùng và vì thế, theo ông Vinh, phần định danh rất quan trọng.
Ngành Ngân hàng đang có những bước đi đúng hướng và mạnh mẽ trên con đường chuyển đổi số |
Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 5/3/2021, cho phép ngân hàng thực hiện eKYC từ xa, bà Nguyễn Thùy Dương cho rằng: Đây là nỗ lực rất lớn của NHNN. Bởi lẽ, nếu không có eKYC thì không có tài chính toàn diện, nếu không có eKYC thì số lượng khách mở tài khoản ngân hàng sẽ ít và sau đó cũng không có khái niệm dùng internet banking, mobile banking. Chính vì vậy, vai trò của nhà quản lý rất quan trọng.
Về vấn đề này, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết: Nhiều người ví von Thông tư về eKYC là tấm vé đầu tiên tiến đến ngân hàng số, bởi lẽ, thanh toán là cửa ngõ để đi đến mọi dịch vụ khác ngân hàng.
Cũng thông tin về các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số của ngân hàng, ông Dũng cho biết, NHNN đã thúc đẩy ban hành Nghị định thay thế Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt mới, cho phép đại lý thanh toán mở rộng phương thức, đồng thời tiền điện tử cũng được quy định trong khung pháp lý rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng dự kiến trong qúy I/2021 sẽ ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành theo Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, trong đó xác định có 6 trụ cột chính đó là thể chế, hạ tầng thanh toán điện tử, thông tin tín dụng, hệ sinh thái số, nguồn nhân lực của ngành và phối hợp cùng các bộ, ngành khác để đưa ra những kiến nghị sửa đổi phù hợp.
“Tốc độ chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đang rất mạnh mẽ và đi đúng hướng. Số liệu về thanh toán qua di động ngày càng cao cho thấy đang được hái quả ngọt từ chuyển đổi số. Các ngân hàng cũng đã đem lại những trải nghiệm dịch vụ ngân hàng mới mà chúng ta có thể cảm nhận”, ông Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, đại diện của NHNN cũng nhận định, chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức không chỉ với doanh nghiệp mà còn cả các cơ quan quản lý. Xu hướng Fintech, chuyển đổi số buộc các cơ quan quản lý phải ra khỏi vùng an toàn, làm sao đẩy nhanh hơn để xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp. Theo ông Dũng, sắp tới đây sẽ có thêm nhiều quy định, bổ sung cho hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số của lĩnh vực tài chính - ngân hàng.