Ngân hàng mở rộng mạng lưới ở nước ngoài
Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của NamABank đã thông qua kế hoạch sẽ chuyển mã cổ phiếu NAB từ sàn UpCOM sang niêm yết và giao dịch tại một trong hai sàn HoSE hoặc HNX trong năm nay. Cùng với việc đặt mục tiêu tăng tổng tài sản thêm 15,4% (đạt mức 205.000 tỷ đồng) NamABank cũng sẽ tiến hành mở rộng mạng lưới, thị phần kinh doanh đa quốc gia bằng việc thành lập ngân hàng 100% vốn hoặc chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài, dự kiến là khu vực châu Á.
Lãnh đạo NamABank cho biết, việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài là chiến lược đa dạng hóa thị trường trong dài hạn của TCTD này, nhằm khai thác tốt cơ hội từ các thị trường quốc tế tiềm năng. Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong xu thế của các ngân hàng những năm qua nhằm đánh dấu quá trình phát triển mạng lưới, hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài.
Ảnh minh họa |
Câu chuyện lên kế hoạch mở rộng mạng lưới ra nước ngoài của NamABank diễn ra trong bối cảnh hoạt động tăng vốn điều lệ và mở rộng thị phần ngân hàng bán lẻ đang là chủ đề nóng ở các đại hội cổ đông của nhiều ngân hàng, cho thấy xu hướng cạnh tranh thị phần khách hàng và các thị trường tiềm năng đang diễn ra gay gắt giữa các NHTM.
Thực tế, thời gian qua, sau khi phủ khắp mạng lưới kinh doanh trên phạm vi cả nước, hàng loạt NHTM như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, SHB, HDBank, Sacombank… đều đã vươn ra nước ngoài thông qua việc thành lập các chi nhánh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài để gia tăng khai thác các thị trường quốc tế và khẳng định thương hiệu. Quan sát cho thấy, các đơn vị tại nước ngoài của các ngân hàng đang kinh doanh khá hiệu quả, đặc biệt là tại các thị trường khu vực Đông Nam Á.
Chẳng hạn, đầu tháng 1/2023 vừa qua, MB đã chuyển đổi quy mô hoạt động của MB chi nhánh Campuchia và thành lập Ngân hàng đại chúng TNHH MB Campuchia, sau khi nhận thấy tốc độ tăng trưởng kết quả kinh doanh ở thị trường này đạt bình quân 20% trong những năm qua. Trong khi đó, Sacombank vẫn duy trì mức đầu tư hơn 1.644,2 tỷ đồng cho Ngân hàng Cổ phần hữu hạn Sacombank Campuchia và 819 tỷ đồng cho Ngân hàng TNHH Sacombank Lào, do cả hai ngân hàng này các năm 2021-2022 vừa qua đều đạt và vượt mục tiêu kinh doanh tại các thị trường khu vực.
Theo tìm hiểu của Thời báo Ngân hàng, hiện hoạt động triển khai các sản phẩm dịch vụ tài chính, tín dụng của các NHTM tại thị trường nước ngoài khá đa dạng. Chẳng hạn, VietinBank hiện đang đầu tư tại các thị trường Đức, Lào và Myanmar, hiện đã hợp tác với Opportunity Network để cung ứng dịch vụ kết nối 28.000 doanh nghiệp ở 120 quốc gia để tìm kiếm đối tác mua bán hàng hóa, huy động vốn và mở rộng thị trường. Trong khi đó, các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, SHB, MB, đều có mức tăng trưởng mạnh các mảng cho vay bán lẻ và dịch vụ thẻ, chuyển nhận tiền quốc tế, bảo lãnh tín dụng xuất nhập khẩu và tài trợ thương mại. Ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động của ngân hàng, việc mở rộng mạng lưới ở các thị trường quốc tế cũng đang giúp các NHTM trong nước khẳng định tốt hơn thương hiệu và uy tín kinh doanh, đồng thời cải thiện mức độ đánh giá tín nhiệm quốc tế.
Đơn cử mới đây, Công ty tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance đã công bố Bảng xếp hạng 500 ngân hàng đứng đầu thế giới về giá trị thương hiệu năm 2023. Trong đó, Việt Nam có 12 ngân hàng lọt vào danh sách này, bao gồm: Vietcombank, Agribank, BIDV, Techcombank, VietinBank, VPBank, MB, SHB, ACB, Sacombank, HDBank và VIB.
Có thể thấy trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở cửa, việc các ngân hàng mở rộng hoạt động ra nước ngoài sẽ hỗ trợ rất nhiều không chỉ cho kiều bào mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hiện thực hóa các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã ký kết với các thị trường quốc tế. Đồng thời sẽ là cánh tay nối dài, vươn xa của các TCTD trong nước nhằm “theo chân” doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu trên các thị trường quốc tế.