Ngân hàng số nhộn nhịp hút khách
Ngân hàng số - xu hướng phát triển bền vững |
Chạy đua gửi các ứng dụng “lên mây”
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đã ra mắt ứng dụng ngân hàng số MyVIB 2.0. Đây là ứng dụng ngân hàng số sử dụng công nghệ điện toán đa đám mây (multi-cloud) để xử lý 60-70% các tính toán từ dữ liệu đầu vào, giúp nhà băng hiện thực hóa ý tưởng, đưa sản phẩm dịch vụ đến thị trường nhanh hơn và đáp ứng sớm hơn các yêu cầu của khách hàng.
Theo VIB, ứng dụng MyVIB 2.0 sẽ giúp 93% giao dịch của khách hàng được thực hiện trên nền tảng số. Chỉ sau 6 tháng triển khai trên hệ thống VIB, ứng dụng này đã cán mốc 1 triệu người dùng, giúp ngân hàng tăng trưởng gấp đôi lượng khách hàng so với năm trước và đạt mục tiêu 4 triệu khách hàng sớm hơn gần một năm so với dự tính.
Ảnh minh họa |
Không chỉ VIB, làn sóng “mây hóa” các ứng dụng ngân hàng số nhằm mở rộng chế độ, dung lượng lưu trữ, tăng khả xử lý tích hợp và bảo mật dữ liệu người dùng, trong những năm gần đây đã được hàng chục NHTM đầu tư và triển khai áp dụng. hiện các ngân hàng như VietABank, PvcomBank, VietinBank, Techcombank, SeABank, ABBank, OCB… đều đã tích hợp các công nghệ điện toán đám mây để ra mắt các nền tảng ngân hàng số mới mẻ phục vụ bán lẻ sản phẩm, dịch vụ, thu hút hàng triệu người dùng.
Ghi nhận từ báo cáo kết quả kinh doanh cuối năm 2022 của các ngân hàng cho thấy, số lượng khách hàng mới mà các nhà băng thu hút được nhờ ứng dụng số hóa đang tăng lên rất mạnh. Chẳng hạn, trong năm 2022, MB đã tăng thêm được 7 triệu khách hàng nhờ phát triển các ứng dụng Biz MBBank và App Thiện Nguyện. Techcombank với các ứng dụng E-Banking (sử dụng công nghệ điện toán đám mây của AWS) đã thu hút thêm 1,2 triệu người dùng trong năm 2022. Trong khi đó ACB, TPBank đều cho biết số lượng khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng số tăng trưởng 30% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2022 vừa qua.
Cùng với việc tăng trưởng số lượng khách hàng việc đầu tư các ứng dụng công nghệ mới, số hóa hoạt động kinh doanh đã giúp nhiều NHTM gặt hái đáng kể thành quả. Ghi nhận tại VIB, ACB cho thấy tỷ trọng doanh thu từ bán lẻ của các TCTD này đạt trên dưới 90% trong năm qua. Các ngân hàng khác như MB, Techcombank, Sacombank hiện tỷ trọng bán lẻ cũng chiếm trên 50% danh mục kinh doanh.
Đáng nói hơn là bằng việc theo đuổi các chiến lược đổi mới công nghệ, hiện nay thương hiệu các ngân hàng Việt Nam đang có sự cải thiện đáng kể. Báo cáo của MiBrand Việt Nam trong năm 2022 cho thấy, hàng chục NHTM tại Việt Nam đã lọt vào top Banking 500 (500 thương hiệu ngân hàng mạnh nhất thế giới). Trong đó nhóm các NHTMCP như: VIB, VPBank, Sacombank, TPBank… có tiềm năng phát triển rất mạnh, thu hút ngày càng đông đảo lượng khách hàng trẻ thuộc thế hệ GenZ (sinh khoảng 1997-2012).
Áp lực cạnh trạnh ngày càng lớn
Theo nghiên cứu của Gimigo Việt Nam, trong lĩnh vực phát triển các ứng dụng ngân hàng số bán lẻ, 2023 sẽ tiếp tục là năm chứng kiến các cuộc chạy đua, cạnh tranh gay gắt giữa các NHTM nhằm giành giật thị phần người dùng.
Theo Gimigo, tính đến cuối năm 2022, nhóm các NHTM lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank và MB là nhóm các ngân hàng dẫn đầu trong mảng bán lẻ do được người dùng tin cậy và có mạng lưới rộng khắp. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhóm NHTMCP như Techcombank, Sacombank, ACB, VPBank, TPBank đang cải thiện rõ rệt mức độ nhận biết và thu hút lượng lớn người sử dụng.
Khảo sát tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn, Gimigo cho rằng hiện nay các ứng dụng số của Techcombank, ACB và Sacombank đang cạnh tranh mạnh với nhóm ngân hàng quy mô lớn. Các NHTMCP khác như TPBank, VPBank hiện cũng đang có chỉ số trải nghiệm khách hàng (Net Promoter Scores – NPS) ở mức cao. Vì thế nhóm các ngân hàng này có nhiều cơ hội để mở rộng khách hàng do khách hàng cũ trung thành và giới thiệu đến các khách hàng mới.
Theo các chuyên gia về lĩnh vực ngân hàng số, phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch và hệ thống POS, ATM đã không còn là ưu tiên hàng đầu trong việc giới thiệu ngân hàng, thay vào đó là mức độ số hóa các sản phẩm dịch vụ. Vì vậy, để duy trì lượng khách hàng thì các ngân hàng cần lưu ý hơn đến các yếu tố như mức phí giao dịch, chất lượng sản phẩm dịch vụ, thái độ nhân viên, dịch vụ chăm sóc khách hàng và liên tục cải tiến các quy trình thủ tục trực tuyến…
Về xu hướng phát triển của các thế hệ ứng dụng số hóa, theo Gimigo, trong năm nay ngoài hoạt động đầu tư công nghệ điện toán đám mây và áp dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), để phát triển các ứng dụng, các app hỗ trợ bán lẻ sản phẩm dịch vụ thì các ngân hàng sẽ có xu hướng đầu tư hệ sinh thái ngân hàng mở tích hợp (open banking).
Một số TCTD hiện tại cũng đã đầu tư vào mô hình ngân hàng thuần số như Cake, Timo, Tnex, Octo, Ubank… Nhóm các ngân hàng thuần số này hiện cũng có khả năng cạnh tranh khá mạnh trong hoạt động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bán lẻ và thu hút người dùng. Chẳng hạn ngân hàng Cake (do VPBank và Be Group thành lập) đã thu hút được 2 triệu người dùng. Vì vậy, trong thời gian tới nhiều khả năng các NHTM sẽ tập trung đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển các thương hiệu ngân hàng thuần số mới hoàn toàn.; Trong đó, tích hợp các sản phẩm dịch vụ vi mô vào công cụ quản lý tài chính cá nhân nhằm thu hút, mở rộng khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ bán lẻ.