Ngân hàng tiên phong dẫn vốn trong cuộc “cách mạng xanh”
Vietcombank cấp tín dụng (hợp vốn) 1,8 tỷ USD cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành Vietcombank ra mắt ngân hàng số thế hệ mới với nhiều tính năng vượt trội |
Dòng chảy tài chính xanh lan rộng trên toàn cầu
Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 hồi tháng 4 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: Kinh tế xanh là nhiệm vụ và xu thế không thể đảo ngược, lựa chọn tất yếu mà chúng ta phải chuyển đổi để giữ gìn trái đất. Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành ngân hàng hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh và bền vững thông qua cơ chế huy động, cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường.
Vietcombank ký kết hợp đồng tín dụng 300 triệu USD với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) để hỗ trợ cho các dự án năng lượng xanh và bảo vệ môi trường tại Việt Nam |
Trên thế giới, theo Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu năm 2015, một trong 3 mục tiêu được thống nhất là “Điều chỉnh dòng tài chính phù hợp với lộ trình phát triển phát thải thấp và thích nghi khí hậu”. Thực tế đến nay, hàng loạt các quốc gia trên thế giới đã triển khai tín dụng xanh, thông qua ngân hàng xanh ở các nước hoặc các quỹ phát triển xanh, hướng đến hai đối tượng khách hàng là khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Bài nghiên cứu về tín dụng xanh công bố tháng 8/2022 của TS Vũ Mai Chi, Học viện Ngân hàng chỉ ra, dòng chảy tín dụng xanh tại các quốc gia, đặc biệt khu vực châu Âu, Trung Quốc và ASEAN thường trọng tâm hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch. Các lĩnh vực ưu tiên tùy thuộc vào chính sách tín dụng xanh ở từng quốc gia và khu vực.
Với các nước đang phát triển, nhu cầu tài chính cần thêm tại các quốc gia này nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030 là 5,8 đến 5,9 nghìn tỷ USD, trong đó thích ứng cần từ 215 đến 387 tỷ USD mỗi năm; năng lượng sạch cần đầu tư khoảng 4,3 nghìn tỷ USD mỗi năm, tăng lên 5 nghìn tỷ USD mỗi năm đến 2050 để đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào 2050.
Trong bối cảnh các hoạt động có tác động tiêu cực đến môi trường đang gia tăng và sự khó khăn của nền kinh tế hậu Covid-19, hoạt động cấp tín dụng xanh của ngân hàng sẽ góp phần đáng kể tạo sự thay đổi trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Những sự thay đổi này sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Toàn ngành ngân hàng trong công cuộc xanh hoá dòng vốn
Ở Việt Nam, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội ban hành, lần đầu tiên khái niệm tín dụng xanh được quy định. Theo đó, tại Khoản 1 Điều 149, tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sau đây: Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tạo ra lợi ích khác về môi trường.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư bổ sung 368 tỷ USD, tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, cho lộ trình chống chịu và lộ trình phát thải ròng bằng 0. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố cam kết đưa phát thải ròng về mức 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Ngay sau đó, các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết.
Vietcombank tổ chức hội thảo "Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank" |
Góp phần vào mục tiêu lớn của đất nước, ngày 26/7/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quyết định về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước chung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Trước đó, NHNN cũng đã ra nhiều chỉ đạo, chính sách nhằm “khơi thông" dòng vốn xanh. Dù có nhiều khó khăn như chưa có danh mục phân loại xanh, hạn chế về trái phiếu xanh, chưa có khung pháp lý, chính sách,... toàn ngành tài chính - ngân hàng vào cuộc và nỗ lực trong công cuộc “xanh hoá” dòng vốn.
Đến 31/12/2023, 47 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 2,84 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng hơn 20% so với cuối năm 2022. Các ngân hàng đã liên tục đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai các dự án “xanh” như Agribank, Vietcombank, Sacombank, VPBank, ACB… Dù tỷ lệ tín dụng xanh so với tổng cơ cấu tín dụng ở Việt Nam hiện còn khiêm tốn, nhưng nhiều chuyên gia dự báo rằng dòng vốn này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai.
Dấu ấn xanh tiên phong của tổ chức tín dụng hàng đầu
Tại Hội thảo “Xu hướng tín dụng xanh và định hướng cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank” tổ chức hồi cuối tháng 3, bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam chia sẻ, Phát triển bền vững ESG là một xu thế lớn của thế giới, và Việt Nam đã đồng ý gia nhập cuộc chơi. Câu hỏi sẽ không còn là làm hay không, mà là làm như thế nào? Và quản trị rủi ro ra sao để lợi ích tốt hơn chi phí bỏ ra?
“Ở Việt Nam, các NHTM đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong xu thế này, nhất là NHTM thuộc nhà nước và đặc biệt là Vietcombank”, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Deloitte Việt Nam nói.
Với vai trò là tổ chức tín dụng hàng đầu tại Việt Nam, Vietcombank xác định tăng trưởng gắn liền với yếu tố bền vững, cũng như cấp tín dụng cho các dự án xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng. Trong nhiều năm, Vietcombank luôn đóng vai trò là kênh tài trợ vốn chủ lực cho các công trình trọng điểm quốc gia và các ngành kinh tế mũi nhọn như: dầu khí, điện lực, hàng không... Ngân hàng đã được Bộ Tài chính tin tưởng giao phục vụ trên 300 dự án vay vốn ODA với tổng trị giá quy USD là gần 30 tỷ USD, bao gồm các dự án trọng điểm là động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong mọi lĩnh vực như hạ tầng cơ sở, giao thông, y tế, nông nghiệp…
Thời gian qua, Vietcombank tập trung mở rộng tín dụng xanh cho nền kinh tế, đặc biệt đối với các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh và xử lý môi trường. Tính đến hết quý I/2024, dư nợ tín dụng xanh tại Vietcombank tiếp tục tăng lên và đạt 47.700 tỷ đồng; đạt 3,7% tổng dư nợ của Ngân hàng. Cụ thể, vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 84,1%; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn chiếm 10,4%; xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm chiếm 2%; tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên chiếm 1%.
Về các chương trình được tài trợ từ nguồn vốn xanh, trong năm 2023, Vietcombank đã tích cực triển khai chương trình cho vay lại các dự án xanh từ nguồn vốn vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tài trợ cho các dự án xanh, năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường với tổng vốn 300 triệu USD. Đây là lần thứ 2 hai bên ký hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho các dự án năng lượng tái tạo sau “cú bắt tay” trị giá 200 triệu USD năm 2019.
Tháng 3/2024, Vietcombank và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN đã ký kết hợp đồng khung thu xếp cấp tín dụng cho chuỗi dự án khí Lô B. Theo đó, Vietcombank là ngân hàng đầu mối thu xếp cấp tín dụng trung - dài hạn bằng ngoại tệ cho các dự án của PVN trên cơ sở giá trị thu xếp vốn, lãi suất, thời hạn vay vốn cạnh tranh. Việc triển khai dự án này đảm bảo an ninh năng lượng, mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế. Trước đó, Vietcombank đã tích cực đồng hành cùng Bộ Tài chính qua vai trò là người vay lại của Bộ Tài chính đối với dự án phát triển năng lượng tái tạo vay vốn World Bank và dự án Tiết kiệm năng lượng ngành công nghiệp vay vốn World Bank.
Vietcombank và PVN thực hiện ký kết Hợp đồng khung Thu xếp cấp tín dụng cho chuỗi dự án khí Lô B |
2023 là năm đầu tiên Vietcombank lọt vào Top 20 doanh nghiệp có chỉ số phát triển bền vững (VNSI) tốt nhất thị trường chứng khoán năm 2023. Đây là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Vietcombank trong các cam kết góp sức cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển bền vững, đề cao tính minh bạch, trách nhiệm và kiến tạo giá trị chung cho cộng đồng.
Bên cạnh việc trực tiếp dành nguồn lực cho tín dụng xanh, năm 2022, Công ty chứng khoán Vietcombank Securities cũng tư vấn phát hành thành công 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh cho Công ty Tài chính cổ phần Điện lực EVNFinance. Đây là trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên được xác định là trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế tại thị trường Việt Nam.
Ngoài các hoạt động kinh doanh, Vietcombank tích cực tổ chức các hội thảo, chương trình kết nối nhằm cập nhật chính sách, kiến thức và kinh nghiệm thực tế về xu hướng tín dụng xanh, từ đó giúp ngân hàng tìm kiếm các cơ hội và giải pháp kinh doanh trong xu thế mới.
Với định hướng đến năm 2030 giữ vững vị trí số 1 tại Việt Nam, đứng trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu và đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, Vietcombank đặt mục tiêu dẫn đầu về quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp (ESG) thông qua Hệ thống Quản lý Môi trường Xã hội (ESMS) và Hệ thống Quản lý rủi ro Môi trường Xã hội theo định hướng các Chỉ số Phát triển bền vững tại Việt Nam của Bộ tiêu chuẩn VNSI, từng bước hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững về Môi trường Quản trị Xã hội (ESG) theo các chuẩn mực quốc tế GRI, TCFD.