Nâng cao cảnh giác khi sử dụng các dịch vụ online - chuyện cũ nhưng luôn mới
Đây là một dạng lừa đảo trực tuyến có thể coi là cổ điển nhất đã xuất hiện khoảng hơn 10 năm khi vẫn còn dùng G-talk. Thế nhưng thủ đoạn này của kẻ xấu vẫn tồn tại và vẫn có nhiều người bị sa bẫy. Nhận thấy các nguy cơ này và để đảm bảo an toàn giao dịch cho khách hàng, Vietcombank đã luôn đưa ra các cảnh báo, các hướng dẫn giao dịch an toàn, đặc biệt là an toàn trên ngân hàng số VCB Digibank và VCB DigiBiz.
Những thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian
Thủ đoạn của kẻ gian trên mạng xã hội từ xưa đến nay vẫn là lừa người dùng nhấn vào một link lạ và yêu cầu người dùng cung cấp thông tin. Người dùng khi thực hiện theo sẽ bị chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook/tài khoản mạng xã hội cá nhân, kẻ gian lúc này sẽ tương tác với danh sách bạn bè của chủ nhân để hỏi vay tiền, chuyển khoản.
Một số các loại hình lừa đảo trên mạng xã hội nói chung phổ biến như sau: Giả mạo cơ quan có thẩm quyền (công an, tòa án, cơ quan thuế…); Gửi bưu phẩm có nội dung tạo lòng tin cho khách hàng; Đánh cắp thông tin truy cập trên các nền tảng mạng xã hội…
Và một số loại hình giả danh ngân hàng để lừa đảo như sau: Giả mạo nhân viên Vietcombank liên hệ khách hàng đề nghị hỗ trợ; Giả mạo website/Fanpage/tin nhắn SMS của ngân hàng.
Cảnh báo và lưu ý của Vietcombank
Trước những thủ đoạn lừa đảo trên, nhằm bảo vệ khách hàng giao dịch an toàn trên ngân hàng số VCB Digibank và VCB DigiBiz, Vietcombank đã đưa ra những Lưu ý dễ nhớ nhất tới khách hàng là: Vietcombank không gửi đường link đăng nhập dịch vụ ngân hàng số cho khách hàng dưới mọi hình thức; Vietcombank không liên hệ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Khách hàng cần nhớ các lưu ý này sẽ cảnh giác và cẩn trọng hơn trước các thủ đoạn của kẻ gian.
Do đó, tất cả các đường link đăng nhập gửi đến khách hàng cùng mọi yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ đều là giả mạo. Khi nhận được các đường dẫn đăng nhập hoặc yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ, khách hàng không truy cập vào các đường link cũng như không cung cấp thông tin và thực hiện thao tác xóa bỏ.
Như đã nói ở trên, loại hình lừa đảo chiếm dụng tài khoản mạng xã hội có từ khi vẫn còn dùng G-talk cho đến nay, phương thức không thay đổi mà vẫn nhiều người bị mắc lừa. Khi nhận được cuộc gọi không rõ nguồn, khách hàng nên đề nghị phía gọi xưng danh, tránh nói các từ “có”, “đúng rồi”; không xưng tên, không đọc các thông tin cá nhân như số CCCD, địa chỉ email. Khi người dùng nói các từ “có”, “đúng rồi”… rất dễ bị ghi âm giọng nói và các đoạn ghi âm này dễ bị kẻ gian sử dụng công nghệ cao để tạo các cuộc hội thoại ra lệnh chuyển tiền tự động, hoặc đơn giản hơn là tạo các đoạn giọng để gọi cho người thân với mục đích xấu. Tuyệt đối không nghe và trả lời thêm để tránh bị thao túng tâm lý.
Khi xảy ra các tình huống khẩn cấp
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, bị tin tặc hoặc nghi ngờ bị tin tặc tấn công, Quý khách hãy thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau:
1. Khóa dịch vụ hoặc đổi mật khẩu dịch vụ ngay lập tức:
Đối với VCB Digibank: Soạn tin nhắn theo cú pháp VCB KHOA DIGIBANK gửi 6167 (soạn và gửi trên số điện thoại đã đăng kí với ngân hàng).
Đối với VCB DigiBiz: Đổi mật khẩu đăng nhập bằng cách vào mục Tiện ích chọn Đổi mật khẩu.
2. Gọi điện ngay cho ngân hàng theo số hotline 24/7 1900545413, hoặc đến ngay các điểm giao dịch ngân hàng để được trợ giúp (nếu trong giờ hành chính).
3. Khôi phục cài đặt gốc (Reset Factory) đối với thiết bị trong trường hợp phát hiện/nghi ngờ cài đặt ứng dụng giả mạo.
4. Trình báo với Cơ quan Công an nơi gần nhất.
Hãy thường xuyên cập nhật đầy đủ các thông tin về hướng dẫn giao dịch an toàn trên website của Vietcombank.