Ngân hàng đa dạng giải pháp, nâng cao tiếp cận vốn cho DNNVV
Diễn đàn vốn cho DNNVV sẽ nêu những vướng mắc tiếp cận vốn VPBank và IFC hợp tác cung ứng vốn cho doanh nghiệp cà phê Việt Nam Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu bổ sung vốn dài hạn |
Hiện nay lực lượng DNNVV đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, DNNVV hiện đang tiếp cận được nhiều nguồn vốn từ các TCTD, các quỹ đầu tư… Theo bà Trần Thanh Thuỷ - Trưởng phòng Hỗ trợ doanh nghiệp Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), hiện DNNVV đang được vay vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất ưu đãi luôn thấp hơn các NHTM Nhà nước và được giữ cố định hoặc giảm nếu chính sách thay đổi trong suốt thời gian vay. Lãi suất cho vay ngắn hạn 1,2%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn là 4,4%/năm. Hiện Quỹ đã ký hợp đồng khung hoạt động cho vay gián tiếp với 6 ngân hàng: BIDV, MB, SHB, Sacombank, BacA Bank, HDBank và dự kiến tiếp tục mở rộng thêm với một số NHTM khác. Mặc dù vậy, theo bà Trần Thanh Thủy, các DNNVV vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn quỹ này. Đơn cử là các vướng mắc trong việc cung cấp hồ sơ vay vốn như Báo cáo tài chính, chứng từ nộp bảo hiểm xã hội, vay đầu tư máy móc thiết bị yêu cầu hồ sơ pháp lý nhà xưởng nơi đặt thiết bị, báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Bên cạnh việc giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng đều đưa ra các chính sách ưu tiên cho các DN |
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, DNNVV của Hà Nội chiếm từ 80% đến nay lên 98,2% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, tạo việc làm cho 55,1% lao động… Từ đầu năm đến nay doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đều giảm so với cùng kỳ; số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so cao với cùng kỳ. Hiện phần lớn các DN đều khó khăn về nguồn vốn để thúc đẩy sản xuất. Do đó việc tiếp cận được các nguồn vốn vay lãi suất thấp là vấn đề ưu tiên.
Ông Mạc Quốc Anh đánh giá các giải pháp ngân hàng hỗ trợ ngày càng đa dạng. Không chỉ cho vay về sản xuất, vấn đề trả lương mà còn cho vay về nhập nguyên liệu của DN, cho vay trong quá trình sản xuất để đổi mới công nghệ, cho vay đảm bảo yếu tố thanh toán… hoặc các gói ưu đãi phù hợp với từng đối tượng DN, đặc biệt là DNNVV. Bên cạnh đó ngân hàng cũng cho vay theo chuỗi cung ứng nên DN cần tham gia sản xuất theo chuỗi để dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. DNNVV không chỉ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng mà còn có thể tiếp cận vốn từ trái phiếu, tín phiếu, thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư từ phía bên ngoài… Để DN có thể tiếp cận được nguồn vốn, theo ông Mạc Quốc Anh, trước hết DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh, về sản phẩm, dịch vụ phải đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với DN, nhất là DNNVV. Bên cạnh việc giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng đều đưa ra các chính sách ưu tiên cho các DN. Ông Đinh Ngọc Dũng, Giám đốc khối Ngân hàng doanh nghiệp - Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội cho hay, nhằm giúp khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn, SHB đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp mục đích sử dụng vốn của khách hàng.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tích cực tham gia các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, trực tiếp gặp gỡ khách hàng để lắng nghe và cùng đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chủ động cung cấp các giải pháp phi tài chính, hỗ trợ kết nối thị trường đầu vào, đầu ra trong cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện tư vấn, đào tạo miễn phí tài chính doanh nghiệp, nhằm bảo đảm chiến lược phù hợp với giai đoạn hiện tại.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội, các TCTD trên địa bàn thời gian qua đã tích cực hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Các TCTD đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đến 30/6/2024 ước đạt 3.832.037 tỷ đồng, tăng 5,95% so với 31/12/2023. Từ nay đến cuối năm, Chi nhánh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn Hà Nội đến 30/6/2024 như cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 331.017 tỷ đồng, chiếm 8,93%; dư nợ cho vay hỗ trợ DNNVV đạt 700.584 tỷ đồng, chiếm 18,90%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 190.455 tỷ đồng, chiếm 5,14%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 85.998 tỷ đồng, chiếm 2,32%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 13.159 tỷ đồng, chiếm 0,36%; cho vay chính sách xã hội đạt 15.939 tỷ đồng, chiếm 0,43% trong tổng dư nợ; dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 553.215 tỷ đồng. |