Ngân hàng trước thách thức cải thiện hiệu quả kinh doanh cuối năm
Lãi suất huy động tăng nhưng phải giữ lãi suất cho vay ổn định
Trước áp lực lạm phát có nguy cơ tăng cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng các mức lãi suất điều hành thêm 1% và quy định trần lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng cũng tăng từ 4% lên 5%/năm. Sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,5-1% tùy từng kỳ hạn.
Trong đó, nhóm NHTM có vốn nhà nước chi phối đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng lên mức 6,4%/năm, các kỳ hạn từ 1-3 tháng lãi suất huy động tăng nhẹ nâng lên mức từ 4,1- 4,4%/năm. Một số NHTM quy mô nhỏ nâng lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng lên sát trần 5%/năm, điển hình như: SCB 4,95%/năm kỳ hạn 5 tháng, KienlongBank 4,99%/năm kỳ hạn 2 tháng…
Các chuyên gia kinh tế nhận định, quyết định tăng lãi suất của NHNN phù hợp với diễn biến khách quan của các nền kinh tế trên thế giới. Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần tăng lãi suất, trong đó có ba lần tăng 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất định hướng của đồng USD lên mức 3-3,25%.
Để kiềm chế lạm phát và do áp lực đồng USD tăng giá, ngân hàng trung ương của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cũng liên tục tăng lãi suất. Theo số liệu thống kê, trên thế giới đã có 157 ngân hàng trung ương tăng lãi suất để ứng phó với việc đồng USD tăng giá.
Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động phi tín dụng. |
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, với yêu cầu ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN điều chỉnh các mức lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng là cần thiết nhằm giữ ổn định tương đối giữa lãi suất - tỷ giá - lạm phát.
Tăng lãi suất ngoài việc thực hiện được mục tiêu của chính sách tiền tệ của NHNN, còn tác động đến quá trình khai thác và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo hướng tiếp tục thu hút nguồn tiền gửi, để đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, NHNN yêu cầu các TCTD tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động… tiết giảm các loại chi phí để giữ ổn định lãi suất đầu ra. Lãi suất đầu vào tăng, trong khi lãi suất đầu ra không tăng tương ứng, có nghĩa NIM của các ngân hàng đang bị thu hẹp đáng kể.
Dư địa tăng thu từ dịch vụ còn nhiều
Theo kế hoạch kinh doanh của 25/27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, dự kiến tổng lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt tối thiểu hơn 245.024 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với mức thực hiện năm 2021. Tuy nhiên với thực tế hiện nay, mục tiêu này là vô cùng khó khăn.
Room tín dụng không còn nhiều nên lợi thế nghiêng về những ngân hàng có giá vốn đầu vào thấp và có nhiều sản phẩm dịch vụ phi tín dụng. Bởi không chỉ NIM bị thu hẹp mà trong bối cảnh NHNN kiên định kiểm soát kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 14% trong năm nay (có điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế), trong khi đó đến 16/9 tăng trưởng tín dụng đã ở mức 10,47% nên mức tăng tín dụng những tháng cuối năm không còn nhiều.
Vì thế để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiện các ngân hàng phải đẩy mạnh tăng thu từ phi tín dụng như bảo hiểm, kinh doanh ngoại hối, dịch vụ thanh toán… Đặc biệt, các ngân hàng "đua nhau" phát triển ngân hàng số để mở rộng tệp khách hàng đồng thời thu hút tiền gửi thanh toán để tăng tỷ lệ CASA.
Mặc dù CASA của các ngân hàng trong quý III/2022 giảm nhẹ, nhưng Techcombank hiện vẫn đứng đầu với tỷ lệ chiếm 47,5% so với tổng nguồn vốn, MSB 36,72%, Vietcombank 34%, VPBank 19%... Tỷ lệ CASA cao sẽ giúp ngân hàng thu hút một nguồn vốn rẻ, tiết kiệm chi phí giá vốn, có thêm điều kiện giữ ổn định lãi suất cho vay.
Ngoài ra, các ngân hàng còn đẩy mạnh thu từ dịch vụ bán chéo sản phẩm giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm. Một số ngân hàng gia tăng dịch vụ kinh doanh ngoại hối.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD trong quý III và cả năm 2022 do Vụ Dự báo thống kê, NHNN công bố, các TCTD cho rằng nhu cầu khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng tiếp tục có xu hướng gia tăng trong ba quý đầu năm nay so với ba quý đầu năm giai đoạn 2018-2021. Các dịch vụ thanh toán, thẻ quý sau cải thiện hơn quý trước.
Các TCTD cũng dự báo phí dịch vụ dự kiến sẽ tăng nhẹ trong quý III và cả năm nay trước diễn biến lãi suất tăng. Huy động vốn toàn hệ thống các TCTD được kỳ vọng tăng bình quân khoảng 4,9% trong quý cuối năm, đưa tỷ lệ vốn huy động cả năm toàn hệ thống tăng 11,5%.
Về dự báo kết quả kinh doanh trong năm nay, 87,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2021; nhưng cũng có 8,5% TCTD dự kiến lợi nhuận âm trong năm nay (tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ 5,8% các TCTD dự kiến vào tháng 3/2022) và 3,8% TCTD ước tính lợi nhuận không đổi.
Các TCTD nhận định, mức độ cạnh tranh giữa các TCTD là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự sụt giảm kinh doanh, trong khi nhu cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ được kỳ vọng giúp cải thiện tình hình kinh doanh của các TCTD.