Ngân hàng truyền thống liệu có thể biến mất?
Liệu hoạt động ngân hàng truyền thống có biến mất vào một ngày “đẹp trời” nào đó? Với việc các Big tech đang thúc đẩy mạnh việc được cấp phép nhận tiền gửi ở Ấn Độ, đã đến lúc phải xem xét câu hỏi đó một cách nghiêm túc.
Google của Alphabet từ lâu đã cung cấp một trong hai ví thanh toán phổ biến nhất tại Ấn Độ. Nhưng giờ đây, Google Pay đang muốn thúc đẩy hợp tác phát triển các sản phẩm gửi tiền có kỳ hạn với các ngân hàng nhỏ ở Ấn Độ. Theo một thông cáo báo chí được công bố, ngân hàng Tài chính Nhỏ Equitas sẽ cung cấp cho khách hàng của Google Pay mức lãi suất lên đến 6,85% cho khoản tiền gửi kỳ hạn một năm khi đăng ký gửi tiền vào ngân hàng trên nền tảng này. Tờ Mint cho biết, các tổ chức cho vay (ngân hàng) khác cũng có thể đăng ký tham gia.
Khách hàng có thể nhận lãi suất lên đến 6,85% cho khoản tiền gửi kỳ hạn một năm khi đăng ký gửi tiền vào ngân hàng Equitas trên nền tảng của Google Pay |
Động thái này dường như có ý nghĩa với toàn cầu. Bởi nó cho thấy bản chất “mong manh” của các định chế tài chính với các hoạt động cốt lõi như nhận tiền gửi và khả năng dễ bị “hạ gục” của họ trước các cuộc tấn công từ các hãng khổng lồ về tìm kiếm trực tuyến, mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử. Các Big tech như Alphabet, Facebook và Amazon có thể đặt ra những thách thức lớn hơn nhiều cho các ngân hàng so với các công ty khởi nghiệp fintech vốn không có nền tảng quy mô đủ mạnh. Cũng giống như ở Ấn Độ, các ngân hàng những nơi khác vốn bị “trói” chặt bởi hoạt động huy động tiền gửi có thể “ném chìa khóa” cho các trung gian công nghệ với hàng trăm triệu người dùng đang hoạt động. Nhưng khi những gã khổng lồ xông vào mảnh đất này thì ngay cả những ngân hàng lớn cũng có thể sẽ mất quyền kiểm soát hoạt động ngân hàng của họ.
Các ông lớn công nghệ của Trung Quốc đã cho thấy việc loại bỏ các tổ chức cho vay truyền thống dễ dàng như thế nào. Trong một mạng lưới người dùng ngày càng tăng, các dữ liệu phi tài chính theo thời gian thực có thể là một công cụ dự đoán có quyền năng mạnh mẽ hơn cả hệ thống chấm điểm tín dụng khách hàng mà các ngân hàng lâu nay vẫn dựa vào. Và tất nhiên việc thêm được một lớp thông tin về hoạt động tài chính của người dùng vào nền tảng trực tuyến sẽ mang lại nhiều giá trị hơn nữa, khác gì “hổ mọc thêm cánh”. Nên tổ chức Ant Group của Jack Ma đã cố gắng theo đuổi lợi thế này đến cùng cho đến khi bị Bắc Kinh “tuýt còi”.
Ở Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, nơi mà mọi thứ dính đến tiền thì đều có thể giải quyết nhờ một mạng kết nối mở thì các Big tech ngày càng có vị trí vững chắc hơn. Các ngân hàng truyền thống vì vậy đã bị phá vỡ bởi sự đổi mới công nghệ.
Ví dụ, hệ thống nhận dạng kỹ thuật số của chính phủ dành cho 1,3 tỷ dân đã làm cho các giấy tờ tùy thân và sự hiện diện vật lý trở nên thừa thãi, đồng thời biến quy trình nhận diện khách hàng rườm rà của các ngân hàng (như xác minh địa chỉ hoặc phải được một chủ tài khoản khác giới thiệu) trở thành một tiện ích rẻ tiền với các giao thức chuẩn. Một ví điện tử có thể thiết lập danh tính khách hàng dễ dàng như ngân hàng và quản lý quá trình tìm kiếm sự đồng ý của khách hàng.
Các tổ chức nhận tiền gửi của Ấn Độ cũng không có bất kỳ lợi thế đặc biệt nào trong việc chuyển các khoản tiền nhỏ lẻ. Khách hàng vẫn giữ tài khoản để gửi hoặc nhận tiền. Nhưng thay vì giao dịch trên các ứng dụng hoặc thẻ ngân hàng của họ, khách hàng lại thích sử dụng Google Pay hoặc PhonePe của Walmart để chuyển tiền cho nhau hay thanh toán cho người bán hàng. Hai ví này đã được sử dụng để chuyển khoảng 5 nghìn tỷ rupee (70 tỷ USD) vào tháng trước. Chỉ 2 ví điện tử này đã chiếm tới 85% thị phần trên thị trường có hơn 50 ứng dụng, bao gồm cả từ các ngân hàng.
Đó chính là sức mạnh của nền tảng dữ liệu - như các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đã mô tả. Khi ứng dụng WhatsApp Pay của Facebook đã hoàn toàn sẵn sàng đi vào vận hành, chắc hẳn nửa tỷ người dùng dịch vụ nhắn tin của nền tảng này ở Ấn Độ sẽ nhiệt tình “hỗ trợ” trong các hoạt động thanh toán.
Môi trường dường như đã chín muồi để Big tech lấn sân sang lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng Equitas không có mối quan hệ từ trước với khách hàng của Google Pay - nền tảng đang tiếp thị các sản phẩm tiền gửi có thời hạn cố định cho Equitas. Và ngay cả sau khi nhận được tiền, Equitas (nói riêng và các ngân hàng khác nói chung nếu họ tham gia theo cách “nhờ” Google Pay để hút khách hàng gửi tiền có kỳ hạn như Equitas đang làm) có thể vẫn không xây dựng được mối quan hệ lâu dài với người gửi tiền, đặc biệt nếu có sự tham gia cạnh tranh từ các ngân hàng khác. Khi khoản tiền gửi đến hạn, tiền sẽ được chuyển trở lại vào tài khoản của khách hàng ở bất kỳ ngân hàng nào. Với nền tảng này, người dùng mất không tới hai phút để đặt lại khoảng tiền gửi từ đầu, nên nếu một ngân hàng khác chào mời lãi suất tốt hơn, các khoản tiền nhàn rỗi có thể sẽ nhanh chóng chảy vào đó chứ chưa chắc đến ngân hàng mà họ đã gửi hay có tài khoản. Người gửi tiết kiệm sẽ được lợi và sự trung thành của khách hàng thì không còn nữa.
Nếu cách làm của Google Pay với Equitas thành công, những đối thủ như PhonePe và WhatsApp Pay hoàn toàn có thể sao chép mô hình đó. Chỉ mất một khoản phí, các nền tảng có thể dễ dàng mở rộng hiểu biết của họ về hành vi của người tiêu dùng và các luồng thanh toán để từ đó tác động đến việc huy động tiền gửi. Mô hình này càng mở rộng thì càng gây khó cho các ngân hàng lớn do nhà nước điều hành, bởi áp lực cạnh tranh đòi hỏi các ngân hàng này phải hoạt động hiệu quả hơn, hoặc họ sẽ phải vận động hành lang với các cơ quan quản lý để làm sao kiềm chế sự lấn sân của những gã khổng lồ công nghệ. Cả Amazon, Google và Facebook đều đang cạnh tranh để xây dựng một mạng lưới thanh toán hoàn toàn mới ở Ấn Độ. Tuy nhiên theo tờ Mint thông tin vào tuần trước, NHTW đã tạm dừng giấy phép cho các Big tech này vì lo ngại về an toàn dữ liệu.
Các nhà quản lý có thể giữ lại việc cấp giấy phép nhận tiền gửi cho các Big tech, bởi để có “đặc quyền đó” cần một cuốn sách “dày cộp” các quy tắc mà các ngân hàng phải tuân thủ. Nhưng các nền tảng của các Big tech sẽ quyết định xem ưu đãi khuyến mại của một ngân hàng nào đó có được hiển thị nổi bật hay bị chôn vùi trong một góc khuất nào đó. Đến đây, có gì đó liên tưởng đến sự “ra đi” chậm chạp nhưng đau đớn như đã xảy ra với các tờ báo in - khi độc giả và các nhà quảng cáo dần chuyển sang trực tuyến.