Ngân sách cần hỗ trợ dẫn vốn
Minh bạch nhiều, tín chấp tăng | |
Minh bạch thông tin hỗ trợ DN niêm yết | |
Ngân hàng đang hỗ trợ gì cho doanh nghiệp? |
Tài trợ trực tiếp cho liên kết chuỗi
Việc hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định 210/2013 về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đang được Bộ NN&PTNT gấp rút thực hiện. Quan điểm của bộ này là hạn chế bớt việc hỗ trợ bằng tiền ngân sách, nhưng một số DN và NHTM cho rằng nên làm ngược lại.
TS. Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, nghị định mới nên xây dựng theo hướng Nhà nước dành riêng một khoản ngân sách nhất định hàng năm để chi cho các hoạt động hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp. Chẳng hạn, đối với ngành lúa gạo, theo ông Chín rào cản lớn nhất của các DN hiện nay là rất khó khăn về vốn khi tích tụ, tập trung ruộng đất. Vì thế khi DN có nhu cầu sở hữu đất đai ở nông thôn để tổ chức sản xuất lớn thì Nhà nước nên hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn từ các TCTD cho DN trong vòng 20 năm.
Phải có ngân sách làm vốn đối ứng mới mở rộng tín dụng cho sản xuất một cách hiệu quả |
Cách làm này, theo ông Chín có vẻ ngân sách sẽ phải bỏ ra khoản tiền khá lớn cho các DN nhưng thực tế lại là cách hiệu quả. Ông Chín lấy ví dụ trường hợp Công ty Gentraco tại An Giang. DN này muốn thuê 100 ha đất của nhiều hộ nông dân liền kề để hình thành cánh đồng lớn. Các nông dân đã sẵn sàng cho thuê thời hạn 20 năm với giá 30 triệu đồng/ha/năm và Gentraco cũng đồng ý trả tiền thuê hàng năm.
Tuy nhiên, khó khăn nảy sinh ở chỗ các hộ dân muốn được nhận tiền thuê đất một lần để có vốn đầu tư sản xuất các loại hình khác. Trong trường hợp này, nếu ngân sách trung ương hỗ trợ 100% lãi suất cho tỉnh An Giang vay vốn từ các NHTM với số vốn 60 tỷ đồng thì sẽ hình thành được 100ha cánh đồng lớn do Gentraco quản lý. Hàng năm, tỉnh có thể thu từ Gentraco 3 tỷ đồng để trả lại cho ngân sách trung ương, trong khi đó các hộ dân cho thuê đất có sẵn món tiền để đầu tư việc khác mà vẫn giữ được chủ quyền miếng đất cũ sau 20 năm cho thuê”, ông Chín nói.
Đồng tình quan điểm này, giám đốc một chi nhánh Agribank tại Đồng Tháp cho rằng nghị định mới cần khuyến khích mạnh hình thức cho DN vay vốn để ứng trước vật tư, phân bón, giống cho các hộ nông dân. Theo đó, DN nào về nông thôn đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, làm cánh đồng lớn, ký kết với nông dân để tiêu thụ nông sản thì nên được Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất NH.
Ngoài ra, việc cấp bù lãi suất cho DN cũng phải được quy định chặt chẽ và có chế tài trong quá trình áp dụng. Bởi hiện nay, một số chính sách hỗ trợ lãi suất dù quy định rất rõ ràng nhưng các NHTM vẫn khó cho vay do việc thanh toán lại các khoản hỗ trợ từ ngân sách mất quá nhiều thời gian. Do vậy, Nhà nước cần chủ động dành ra một khoản ngân sách hàng năm để chi trả cho việc này thì mới khuyến khích được các NHTM đầu tư vốn.
Cởi mở nhưng vẫn phải thận trọng
Ngay từ đầu năm 2017, khi triển khai gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng để cho vay đối với các DN nông nghiệp công nghệ cao, lãnh đạo ngành Ngân hàng đã nhấn mạnh rằng những nút thắt về định giá tài sản trên đất nông nghiệp cũng như các báo cáo đánh giá, dự báo về thị trường nông sản công nghệ cao là những điểm cần phải tháo gỡ càng sớm càng tốt. Bởi hiện nay các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã bắt đầu vay vốn dưới dạng tín chấp. Các NHTM chấp nhận cho vay vốn lớn dựa trên phương án sản xuất kinh doanh và quản lý dòng tiền. Tuy nhiên, thực tế không ít các dự án do không tính toán kỹ lưỡng nhu cầu thị trường đã dẫn đến đầu tư - kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả.
Những thống kê mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy, chỉ tính riêng các tổng công ty và tập đoàn trực thuộc bộ này như: Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe)… đã có tới 27 dự án đầu tư không hiệu quả. Trong số này có 13 dự án đang phải ngưng hoạt động, 8 dự án ghi nhận thua lỗ, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vốn vay từ các NHTM.
Chẳng hạn, dự án Nhà máy thủy sản Cầu Quan (Trà Vinh) thuộc Vinafood 2, năm 2008 từng được đầu tư 150 tỷ đồng và từng được kỳ vọng là một trong những dự án sẽ tiêu thụ khoảng 30.000 tấn cá tra/năm. Nhưng chỉ vài năm hoạt động dự án này đã phải sang nhượng lại cho DN Vĩnh Hoàn vì khai thác không hiệu quả. Hay như dự án nuôi tôm công nghiệp tại Kiến Thụy - Hải Phòng từng được đầu tư trên 73,2 tỷ đồng (trong đó 35,3 tỷ đồng vốn vay) và được hưởng nhiều ưu đãi về tài chính nhưng hiện nay cũng đang được đánh giá là kinh doanh kém hiệu quả và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.
Như vậy, rõ ràng đầu tư vốn vào các dự án nông nghiệp, kể cả các dự án áp dụng công nghệ cao từ trước đến nay luôn chứa đựng nhiều rủi ro cho các NHTM. Việc sửa đổi Nghị định 210 vì thế là hết sức cần thiết nhưng cần có sự thay đổi về tư duy tiếp cận. Bên cạnh việc kiến tạo nguồn lực, ưu tiên về chính sách thuế, phí thì khoản hỗ trợ lãi suất trực tiếp bằng ngân sách cũng cần cụ thể hóa. Bởi từ những vốn mồi cụ thể này thì dòng vốn tín dụng mới có thể “chảy đều” vào các dự án lớn của lĩnh vực nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn cho các DN hợp tác với các địa phương tái cấu trúc nền kinh tế tam nông.