Ngân hàng đang hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?
Agribank: Hỗ trợ doanh nghiệp bằng hành động | |
Maritime Bank hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu | |
Ngành Ngân hàng quyết liệt và đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp |
Thời gian giao dịch đã giảm mạnh
Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa XII vừa qua, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận và đánh giá vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Nhiều đại biểu cho rằng phải nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế…
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo, kèm các giải pháp, chính sách hướng tới đối tượng kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp cả về khuôn khổ pháp lý, cơ chế hỗ trợ. Đặc biệt, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được ban hành tháng 5/2016 với mong muốn tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp phát triển.
Không chỉ hỗ trợ DN tiếp cận vốn, các NH còn cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cho vay |
Theo ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nghị quyết 35 đặt mục tiêu tới năm 2020 có ít nhất một triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Cùng với đó là cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên về công nghệ, nguồn vốn, lãi suất…
Ở góc độ ngành NH - cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đến nay NHNN đã ban hành hàng loạt văn bản nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, NH, triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay như: hướng dẫn chính sách cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ; hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp; quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở, quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính…
Trước đó, nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và một số đối tượng khác vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành NH đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức chương trình kết nối NH - doanh nghiệp thông qua các buổi hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2017, toàn ngành NH đã tổ chức được 130 hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổng số tiền cam kết cho vay mới theo Chương trình đạt 290.000 tỷ đồng, doanh số giải ngân đạt hơn 190.000 tỷ đồng cho hơn 20.000 khách hàng doanh nghiệp; số tiền gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là hơn 16.000 tỷ đồng cho hơn 500 doanh nghiệp. Ngoài ra các NH còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, giảm phí... cho gần 400 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ là 8.700 tỷ đồng.
Theo NHNN, để tăng khả năng và giảm thời gian tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, các TCTD cũng đã tích cực đổi mới thủ tục giao dịch; công bố công khai trên trang tin điện tử các thông tin về hồ sơ tín dụng, dịch vụ; lãi suất, phí dịch vụ; quy định tiêu chuẩn chất lượng (thời gian, mức độ hài lòng) đối với các dịch vụ. Đồng thời, ban hành quy trình tiếp nhận và thiết lập nhiều kênh để tiếp nhận, xử lý ý kiến, kiến nghị của khách hàng, như: phản ảnh trực tiếp tại quầy giao dịch, qua hộp thư góp ý tại các điểm giao dịch, qua email, qua Hotline…
Các quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn hơn. Nhờ đó, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20 - 40%; Một số quy trình, sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ NH trên hồ sơ. Ngoài ra, hệ thống NH đã không ngừng cải tiến, tối ưu hóa, quy trình cung cấp dịch vụ thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại như Internet Banking, Mobile Banking… nhờ đó giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Lãnh đạo cấp cao của NHNN khẳng định, cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô để điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ CSTT nhằm điều tiết thanh khoản, các chỉ tiêu tiền tệ hợp lý nhằm hỗ trợ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Căn cứ cân đối tổng thể mục tiêu CSTT với các diễn biến lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản của Chính phủ và lộ trình tăng lương cơ bản...
NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, đề xuất Chính phủ các giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình kinh tế; tính toán thận trọng các phương án bao gồm cả khả năng điều chỉnh lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường; hỗ trợ ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng; đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động NH; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng NH, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng NH cho doanh nghiệp.
Đối với tín dụng ngoại tệ, NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ của TCTD theo hướng tập trung cho vay doanh nghiệp cần sử dụng ngoại tệ, doanh nghiệp có khả năng tái tạo nguồn ngoại tệ để trả nợ và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo hỗ trợ tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng đồng thời hạn chế phát sinh nhu cầu quá lớn về ngoại tệ, không làm ảnh hưởng đến mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ.
Tuy nhiên, với nhu cầu tín dụng ngoại tệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, NHNN tiếp tục xem xét xử lý trên cơ sở đề nghị của TCTD, nhưng theo hướng thu hẹp dần các nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ và tập trung chủ yếu đáp ứng nhu cầu vay vốn ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV.
Cùng với đó, NH tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối NH - doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.