Minh bạch nhiều, tín chấp tăng
Cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ | |
Cú huých phát triển DN | |
Lá cờ đầu hỗ trợ DNNVV |
Cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là một trong năm lĩnh vực ưu tiên cần tập trung đầu tư vốn của ngành Ngân hàng. Nhưng thực tế không phải DN nào cũng dễ dàng tiếp cận vốn NH. DNNVV, DN tư nhân thường gặp khó khăn về tài sản thế chấp. Vì thế, có câu hỏi thường trực khác: làm thế nào để được vay vốn theo hình thức tín chấp?
Trên thực tế, nhiều năm qua, để tăng cường cho vay tín chấp, NHNN đã chỉ đạo các TCTD xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính thức, kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của TCTD để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay. Qua đó nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
Việc minh bạch hơn trong hoạt động của DN là giải pháp quan trọng để NH có thể cho vay tín chấp |
NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tăng cường cho vay đối với các DNNVV, trong đó xem xét mở rộng việc cho vay tín chấp. Tuy nhiên, bản thân các DNNVV cũng cần tự mình cải thiện năng lực tài chính, năng lực quản lý và có những dự án sản xuất kinh doanh khả thi.
Lãnh đạo một NHTM cho rằng, DN có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, được các NH đánh giá có khả năng tài chính để hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi, thì có thể được xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tín chấp (cho vay không phải thế chấp tài sản). Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cho vay tín chấp chưa được nhiều, một phần do hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân gặp khó khăn, một số DN năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh đề nghị vay vốn.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện tại nền kinh tế và DN Việt Nam còn phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay NH. Việc huy động vốn thông qua thị trường vốn, thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa phát triển, nên các DN nhỏ bước vào thị trường thì rất khó khăn và phải dựa vào vốn tự có, vay bạn bè, thậm chí cả các kênh phi chính thức.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, không chỉ DN đi tìm vốn mà bản thân nhiều NH đã và đang tìm DN để cho vay nhưng “chưa gặp được nhau”. Có nhiều lý do cả ở 2 phía DN và NH, nên cần phải cùng chung tay giải quyết. “DN vay vốn và phải có tài sản thế chấp. Thực tế, nhiều DN có đất nhưng lại chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bỏ lỡ cơ hội tiếp cận vốn. Chính vì vậy, việc đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho DN cũng là nâng cao cơ hội tiếp cận vốn cho họ”, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị và cho rằng, bản thân NH cũng là DN và họ phải có cách thức để bảo toàn vốn vay của mình. Và rõ ràng, việc minh bạch hơn trong hoạt động, trong sổ sách của DN cũng là giải pháp quan trọng để NH có thể cho vay tín chấp.
Về phía NH, ông Đào Gia Hưng - Phó giám đốc khối DNNVV của VPBank đã đúc kết rằng, khúc mắc lớn nhất khi cho DN vay vốn là tài sản thế chấp. Ước tính có tới 70% DN siêu nhỏ không tiếp cận được nguồn vốn vay từ NH do không có tài sản bảo đảm. Hiện nay, một số NH như VIB, VPBank… đã cho vay tín chấp với các DN siêu nhỏ. Theo VIB thì đây là khoản vay được cấp theo món dựa trên từng hợp đồng tín dụng cụ thể. Khoản cho vay này phục vụ cho các mục đích bổ sung vốn lưu động ngắn hạn từng lần như hàng tháng, hàng quý, 6 tháng hoặc hàng năm.
Đối tượng cho DN vay tín chấp của VPBank là các DNNVV, đặc biệt là DN siêu nhỏ; DN chuyển lên từ hộ kinh doanh cũng sẽ là đối tượng cho vay của NH. “Chúng tôi có thể đáp ứng giải pháp vốn cho DN siêu nhỏ mà không cần phải câu nệ việc chứng minh quá nhiều vào hệ thống sổ sách giấy tờ. NH có các cán bộ kinh nghiệm tìm hiểu DN, nếu thấy đủ tin cậy thì VPBank hoàn toàn có thể cấp vốn, với thủ tục đơn giản”, ông Hưng chia sẻ.
Tùy vào mỗi dự án, DN có thể vay ngắn hạn dưới 12 tháng, trung hạn dưới 3 năm và dài hạn dưới 5 năm. Các NH khuyến khích cho vay vốn trung dài hạn. Theo ông Đào Gia Hưng, hạn mức cho vay đã được tính toán phù hợp với quy mô DN nhỏ, siêu nhỏ. Với DN siêu nhỏ hay vừa có doanh thu 20 tỷ đồng mỗi năm thì hạn mức từ 1-3 tỷ đồng là có thể chấp nhận được.