Ngành bánh kẹo Việt âm thầm lớn mạnh
Bánh kẹo tại thị trường Việt Nam vốn là sản phẩm phát triển từ hộ gia đình, là nghề sản xuất truyền thống, không cần công nghệ cao. Nét độc đáo của bánh kẹo Việt Nam là rất đa dạng chủng loại, mang tính địa phương cao. Mặc dù không nằm trong số các hàng hóa thiết yếu, nhưng là nhóm sản phẩm không thể thiếu trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp bánh kẹo Việt thành danh hiện nay đi lên từ hộ sản xuất gia đình. Điều này cho thấy, thị trường bánh kẹo trong nước rất hấp dẫn và ngày càng lớn.
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Công thương, mức tăng trưởng doanh thu của nhóm mặt hàng bánh kẹo vào khoảng 15%/năm, với doanh số toàn thị trường ước khoảng 51 nghìn tỷ đồng. Định hướng phát triển ngành bánh kẹo Việt đến năm 2030 là đổi mới thiết bị sản xuất hiện đại, tự động hóa, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chú trọng sản xuất sản phẩm bánh kẹo cao cấp.
Ông Bùi Thành Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần KIDO cho biết, ngành bánh kẹo Việt hiện có quy mô thị trường lớn và tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%. Về̀ dư địa phát triển vẫn còn rất lớn, khi mức tiêu thụ bánh kẹo trên đầu người Việt Nam chưa quá 3 kg/người/năm, thấp hơn mức tiêu thụ trung bình của thế giới. Vì vậy, sau 5 năm ngừng sản xuất, từ quý II/2020 KIDO đã quyết định quay lại ngành sản xuất cốt lõi của doanh nghiệp là bánh kẹo và hướng đến vừa tiêu thụ nội địa vừa đẩy mạnh xuất khẩu. Lợi thế của doanh nghiệp bánh kẹo Việt hiện nay là nguồn nguyên liệu tại chỗ (trái cây, đường, đậu…) rất lớn, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm. Số lượng doanh nghiệp trong ngành không quá nhiều, trên dưới 100 doanh nghiệp lớn, còn lại khoảng 3.000 cơ sở sản xuất nhỏ và doanh nghiệp xuất nhập khẩu bánh kẹo từ nước ngoài. Mỗi doanh nghiệp có dòng sản phẩm đặc trưng riêng và dù thị trường Việt hàng năm nhập khẩu gần 50 triệu USD bánh kẹo, nhưng sản phẩm bánh kẹo Việt vẫn có vị trí của mình trong lựa chọn của người tiêu dùng.
Đến thời điểm hiện tại, công nghệ và trang thiết bị sản xuất bánh kẹo của doanh nghiệp Việt đã có bước tiến đáng kể, hầu hết các doanh nghiệp lớn như Bibica, Hữu Nghị, Kido… đều đầu tư dây chuyền sản xuất bánh kẹo hiện đại, khép kín, sản phẩm chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, các doanh nghiệp với lợi thế thị trường sân nhà, luôn không ngừng đầu tư phát triển mạnh hệ thống phân phối từ thành thị đến nông thôn. Mỗi doanh nghiệp bánh kẹo lớn đều có từ vài chục đến vài trăm cửa hàng, giúp sản phẩm nội chiếm ưu thế. Sản phẩm bánh kẹo cũng đa dạng từ sản phẩm ăn trong ngày (các loại bánh mì ngọt, bánh chà bông…) đến bánh kẹo theo mùa (Trung thu, Giáng sinh, bánh kẹo tết…). Sản phẩm vừa tiêu thụ nội địa, vừa xuất khẩu, nên chất lượng bánh ngày càng được nâng cao, tăng số lượng nhóm sản phẩm ít đường, ít béo, sản phẩm ăn kiêng, sản phẩm có nguyên liệu cao cấp…
So sánh trên thị trường tiêu thụ, có thể thấy bánh kẹo nhập khẩu ngày càng nhiều, nhất là khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN được thực thi, sản phẩm bánh kẹo từ các nước ASEAN (Indonesia, Thái Lan, Malaysia) được giảm thuế nhập khẩu về 0% không ngừng tăng số lượng vào Việt Nam. Tuy vậy, các doanh nghiệp trong nước vẫn tự tin, sản phẩm trong nước vẫn làm chủ thị trường. Bởi hàng nhập khẩu số lượng ngày càng nhiều hơn, nhưng hiện chưa chiếm quá 5% thị phần bánh kẹo Việt. Mặt khác, bánh kẹo ngoại chỉ chọn một số kênh phân phối nhất định là siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, còn lại đến 70% thị trường Việt là thị trường nông thôn chính là “đất” để bánh kẹo Việt sinh sôi.
Chính từ thị trường tiềm năng lớn này mà tầm nhìn đến năm 2030 của Quy hoạch phát triển ngành kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam là xem xét đầu tư mới các nhà máy sản xuất bánh, kẹo cao cấp tại khu vực phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng), khu vực miền Trung (Quy Nhơn, Bình Định), khu vực phía Nam (Đồng Nai, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh). Tiếp tục mở rộng và nâng cấp các cơ sở sản xuất bánh kẹo, phát huy hết công suất hiện có. Đến năm 2030, sản lượng bánh kẹo trong cả nước đạt khoảng 6 triệu 800 nghìn tấn, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.