Ngành công nghiệp thực phẩm hướng đến giá trị bền vững
Chính vì vậy, việc chuyển đổi sang các phương pháp bền vững và giảm lượng khí thải carbon của ngành công nghiệp thực phẩm là điều vô cùng bức thiết. Việc xây dựng nguồn cung và chuỗi cung cấp bền vững là tất yếu và đóng góp vào phát triển kinh tế xanh. Ông Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc phát triển Dự án giảm phát thải trong nông nghiệp (AgriCarbon) nhấn mạnh rằng, trong thời gian tới, các hàng hóa xuất khẩu sẽ bị đánh thuế theo lượng khí thải carbon.
Thời gian qua, các tiến bộ trong nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng IoT, AI và blockchain đã nâng cao hiệu suất, khả năng theo dõi và phát triển bền vững của ngành. Nông nghiệp chính xác tối ưu hóa quản lý tài nguyên, giảm sử dụng nước và phân bón trong khi tối đa hóa sản lượng. IoT cho phép giám sát thời gian thực, cải thiện hiệu suất năng lượng và giảm lãng phí. Blockchain tăng cường tính minh bạch, thúc đẩy việc mua sắm có đạo đức và giảm gian lận thực phẩm. Công nghệ cải thiện năng suất, giảm tác động môi trường và đáp ứng nhu cầu của hệ thống thực phẩm bền vững.
Nông nghiệp thông minh giảm sử dụng nước và diện tích đất. Các đổi mới trong chế biến và đóng gói thực phẩm giảm lãng phí và bảo quản chất lượng. Phân tích dữ liệu và học máy tối ưu hóa quyết định, giảm lãng phí và khí thải. Quản lý chuỗi cung ứng dựa trên dữ liệu giảm lãng phí thực phẩm và khí thải từ vận chuyển. Cuối cùng, công nghệ tạo điều kiện cho ngành thực phẩm phát triển các thực tiễn bền vững, tăng cường hiệu suất tài nguyên và xây dựng một hệ thống thực phẩm linh hoạt.
Theo một số doanh nghiệp ngành thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh, việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường đang nhận được sự chú ý đặc biệt trong ngành. Điều này bao gồm sử dụng các vật liệu tái sinh hoặc tái chế, giảm lượng chất thải và tối ưu hóa thiết kế để có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học.
Nhiều công ty đang áp dụng các sản phẩm bao bì bền vững nhằm giảm lượng chất thải, bảo vệ tài nguyên và giảm tác động môi trường.
Ông Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Gia Bảo cho biết, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, doanh nghiệp này còn chú trọng đến yếu tố xã hội, xem đây là một phần không thể thiếu của một doanh nghiệp bền vững. Doanh nghiệp mong muốn xây dựng hệ sinh thái từ nông trại đến nhà máy, đưa ra thị trường các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xanh.
“Mới đây, Dự án Hạt điều xanh - Green Cashew do Doanh nghiệp xã hội Green Journey cùng Tập đoàn Gia Bảo sáng lập và triển khai, đã chính thức ra mắt. Mục tiêu của Dự án là phát triển chuỗi giá trị bền vững”, ông Sơn chia sẻ.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, bằng cách triển khai các giải pháp thực tế như nông nghiệp tái tạo, năng lượng tái tạo và giảm lãng phí, doanh nghiệp có thể đóng góp vào một tương lai bền vững cho ngành thực phẩm, đảm bảo an ninh cho các thế hệ tương lai.
Sự hợp tác, đổi mới và cam kết chung trong bảo vệ hành tinh đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống phát triển bền vững. Bản thân mỗi doanh nghiệp nên chú trọng áp dụng các phương pháp, đầu tư vào năng lượng tái tạo, triển khai quản lý chuỗi cung ứng bền vững, giảm lãng phí thực phẩm và thúc đẩy bao bì thân thiện với môi trường.
“Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu của nền kinh tế nói riêng và các doanh nghiệp nói chung. Song, để có thể sớm đạt được mục tiêu, Nhà nước và các cơ quan quản lý chức năng nên có các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào xanh hóa sản xuất, cụ thể là dành những ưu tiên nhất định cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có đầu tư chuyển đổi xanh, phát triển bền vững”, bà Chi nhấn mạnh.