Ngành dệt may hướng tới mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024
Kỳ vọng phục hồi tăng trưởng của ngành dệt may
|
Trong năm nay ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD |
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, trong năm qua, ngành dệt may cơ bản có sự thành công nhất định, đạt kim ngạch xuất khẩu 40,3 tỷ USD. Để thích ứng đa dạng chiến lược đã đề ra, toàn ngành dệt may đã đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác khách hàng và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Vì thế, thặng dư thương mại toàn ngành là 17 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực vẫn là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Để đáp ứng yêu cầu của đối tác, ngành dệt may Việt Nam đã thích ứng mạnh mẽ trong 5 năm qua về chuyển đổi số và xanh hóa trong các hoạt động của mình.
Thống kê của VITAS cho biết, ngoài những doanh nghiệp lớn như May Việt Tiến, May 10, May Bảo Minh, Đồng Tiến, Thành Công… đang có nhiều doanh nghiệp quy mô vừa như Faslink, Tsafari, Trung Quy, VitaJean… đi theo xu thế này và bước đầu “gặt hái” những thành công nhất định trong bối cảnh thị trường giảm cầu.
Vấn đề xây dựng thương hiệu cũng được nhắc đến như là một yếu tố để ngành dệt may Việt Nam bứt phá và “đi đường dài”. Đại diện VITAS cho rằng, điều kiện cần và đủ là phải xây dựng được chiến lược, khát vọng là xây dựng được ngành công nghiệp thời trang cho các doanh nghiệp về nhãn hiệu, thương hiệu cho tầm nhìn 2030-2045. Các thương hiệu Việt phải được bán trên các cửa hàng lớn trên toàn cầu.
Năm 2024 cố gắng duy trì biện pháp của năm 2023 và có đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng cao hơn khoảng 7% doanh thu và lợi nhuận so với 2023. Bên cạnh mở rộng thêm các thị trường mới, sản phẩm mớ, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa.
Ông Vũ Đức Giang cho hay, trong năm nay ngành đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Đồng thời cho rằng năm nay ngành vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu.
Theo ông Giang để ngành dệt may phát triển, Chính phủ và các bộ ngành cần xây dựng quy hoạch vùng tại địa phương để phát triển khu công nghiệp nhằm đầu tư vào các phần cung thiếu hụt đối với ngành dệt, nhuộm.
Ông Giang nhấn mạnh, điều kiện cần và đủ đó là phải xây dựng được chiến lược, khát vọng, xây dựng được ngành công nghiệp thời trang cho các doanh nghiệp về nhãn hiệu, thương hiệu cho tầm nhìn 2030-2045, Các thương hiệu Việt phải được bán trên các cửa hàng lớn trên toàn cầu.