Kỳ vọng phục hồi tăng trưởng của ngành dệt may
Ngành dệt may Việt Nam sẵn sàng trở lại trong bối cảnh mới Ngành dệt may thay đổi để phát triển Ngành dệt may: Từ khó khăn đến cơ hội “vàng” Nên chọn cổ phiếu dệt may nào? |
Là một trong những ngành thuộc top 2 xuất khẩu của Việt Nam và đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may thế giới, năm 2022, ngành dệt may đã xuất khẩu hơn 44 tỷ USD. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, bên cạnh những khó khăn như thiếu đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng... ngành dệt may còn phải đối mặt với nhiều yêu cầu mới từ các thị trường xuất khẩu. Điển hình như luật về chống lao động cưỡng bức của Mỹ, luật tra soát toàn bộ chuỗi cung ứng của Đức với những quy định rất chặt chẽ về sử dụng lao động trong sản xuất... “Trong vấn đề môi trường, yêu cầu của các thị trường tiêu thụ, nhãn hàng buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… đã khiến giá thành sản xuất tăng mạnh. Chưa bao giờ ngành dệt may rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay”, bà Mai đánh giá.
Dệt may đã có những tín hiệu tốt khi tình hình sản xuất kinh doanh đang ấm dần lên |
Hiện tại, việc ngành dệt may lấy lại đà tăng trưởng, một số doanh nghiệp đã năng động, linh hoạt mở rộng ngành hàng, sẵn sàng nhận những đơn hàng nhỏ, giá không cao để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động. Ông Phạm Văn Việt, Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, sản phẩm dệt may của Việt Nam hiện được đối tác đánh giá rất tốt và có sức cạnh tranh cao so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác. Việc sụt giảm đơn hàng trong thời gian qua có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thị trường giảm; người mua có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm bình dân, không mặn mà với các sản phẩm thời trang, chi phí cao. Trong giai đoạn tới đây, ông Việt cho hay, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất hàng nội địa. Đây là động lực để doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cho 2 tháng cuối năm. Hiện lượng đơn hàng cũng đã có phục hồi, riêng doanh nghiệp này đã phục hồi khoảng 80% so với trước.
Cũng kỳ vọng sự trở lại của ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty May Sài Gòn 3 cho biết, bước sang quý IV năm 2023, thị trường nội địa và xuất khẩu bắt đầu có nhu cầu trở lại. “Lượng đơn hàng từ đầu năm sụt giảm từ 20 - 30% so với cùng kỳ, song những tháng cuối năm, tình hình sẽ tốt hơn. Doanh nghiệp dệt may cần nắm tình hình sức mua, sự phục hồi của thị trường để đầu tư sản xuất hàng hóa có giá phù hợp. Việc này nhằm giúp doanh nghiệp tránh bán lỗ và khôi phục sản xuất trong 2 tháng còn lại của năm”, ông Hồng chia sẻ.
Đánh giá về tình hình khó khăn của ngành dệt may, các chuyên gia cho rằng, thương mại quốc tế biến động cùng lượng hàng tồn kho cao khiến nhu cầu hàng hóa nói chung và sản phẩm dệt may nói riêng sụt giảm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp trong ngành liên tiếp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới bên cạnh việc duy trì thị trường xuất khẩu hiện có. Không những vậy, lợi nhuận các doanh nghiệp dệt may còn bị co hẹp lại do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm một nửa so với trước đó. Nhưng để duy trì hoạt động sản xuất, giữ được các mối làm ăn, nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận đơn giá thấp. Thêm vào đó, hàng dệt may Việt Nam còn phải cạnh tranh với Bangladesh khi nước này nằm trong số 45 quốc gia đang phát triển hiện được miễn thuế vào châu Âu. Theo khảo sát của các nhà bán lẻ lớn, mặc dù Việt Nam được đánh giá cao hơn Bangladesh về chất lượng và năng lực sản xuất, nhưng Bangladesh có lợi thế về chi phí, thuế và các khoản trợ cấp của chính phủ (từ hải quan đến trợ cấp lãi suất).
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, Vitas đã hợp tác với các tổ chức quốc tế tổ chức các hội thảo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đồng thời thông tin về những cơ hội, lợi thế ở các thị trường Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, bàn về giải pháp vượt khó, đại diện Vitas cho rằng, doanh nghiệp nên đa dạng hóa mặt hàng.
Vấn đề cực kỳ quan trọng mà Vitas lưu ý đó là doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Mặc dù hiện nay, ngành dệt may có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ nên gặp khó khăn trong chuyển đổi số, song đây là việc buộc phải làm.
“Trong 2 tháng cuối năm, ngành dệt may vẫn kỳ vọng sẽ cán mốc 40 tỷ USD bởi những tháng tới là trọng điểm của xuất khẩu và một số doanh nghiệp đã bắt đầu có đơn hàng cho quý I/2024” ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas kỳ vọng.