Ngành thép đối mặt nhiều thách thức trong năm 2023
Giá hàng hóa nguyên liệu tiếp tục biến động
“Đóng vai trò là thước đo cho sức khỏe của nền kinh tế, các mặt hàng kim loại như đồng hay sắt thép phản ánh khá sát bức tranh tăng trưởng trên thế giới”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa - Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết.
Hiện tại, giá các nguyên liệu này đang ghi nhận bước phục hồi đáng kể so với giai đoạn nửa năm trước. Giá đồng niêm yết trên Sở COMEX đã tăng 30% kể từ mức đáy vào tháng 7 năm ngoái, trong khi quặng sắt trên Sở Singapore phục hồi lên mức cao nhất 6 tháng, đạt trên 120 USD/tấn.
“Nguyên nhân chính cho xu hướng này là sự mở cửa trở lại của thị trường tiêu thụ kim loại hàng đầu Trung Quốc, đã giúp triển vọng tiêu thụ tích cực hơn”, theo ông Phạm Quang Anh.
Tuy nhiên, trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, giá kim loại cơ bản đang có dấu hiệu gặp áp lực trở lại. Sức ép từ tình hình kinh tế vĩ mô trong giai đoạn các quốc gia phương Tây tăng cường thắt chặt tiền tệ, vẫn đang là rào cản lớn đối với bức tranh tổng thể về nhu cầu kim loại.
“Nhìn chung, xu hướng giá hàng hóa nguyên liệu đầu vào cho hoạt động xây dựng trong năm 2023, một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào bức tranh vĩ mô và triển vọng tiêu thụ”, ông Phạm Quang Anh nhận định.
Lo ngại về nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng
Mặc dù lạm phát tại Mỹ và các quốc gia khu vực Châu Âu đã cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt và quy mô tăng lãi suất cũng bắt đầu giảm kể từ cuối năm ngoái, nhưng mối lo về nguy cơ suy thóai kinh tế đang còn tiềm ẩn.
“Điều này có thể hạn chế nhu cầu tiêu thụ sắt thép, nguồn lực chính phục vụ cho lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, một trong những động lực to lớn cho tăng trưởng kinh tế”, ông Quang Anh đánh giá.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 2,9% trong năm 2023, giảm từ mức 3,4% của năm ngoái, trong đó ghi nhận đà suy yếu từ các nền kinh tế như Mỹ và Châu Âu.
Cũng theo dự báo của IMF, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 6,2%, song tổ chức này cũng nhận định đây là con số tương đối tích cực trong bối cảnh biến động giá cả hàng hóa và áp lực từ thị trường thế giới.
Đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, một thị trường mạnh về xuất khẩu thép xây dựng, sức mua từ các thị trường nhập khẩu hàng đầu suy yếu sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp sản xuất. Hiện tại, Mỹ đang chiếm 8% thị phần xuất khẩu thép của nước ta, trong khi con số này tại thị trường Châu Âu đang là 16%.
Ngành thép trong nước đặt kỳ vọng vào đầu tư công
Áp lực từ các nền kinh tế lớn sẽ khiến cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khó khăn hơn trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thép xây dựng. Trong khi đó, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, biến động giá cũng sẽ là yếu tố gây ra nhiều thách thức cho ngành.
Sự mở cửa trở lại của Trung Quốc, hay sự bùng nổ trong giai đoạn xây dựng phát triển tại Ấn Độ, những thị trường sản xuất và tiêu thụ thép hàng đầu trên thế giới đang khiến nguồn cung quặng sắt, than cốc, thép phế liệu từ các nước cung ứng chính như Trung Quốc, Úc và Brazil cạnh tranh hơn, kéo theo đà tăng của giá.
Từ ngày 7/2 vừa qua, các nhà sản xuất thép lớn trong nước đã thông báo tăng giá bán thép các loại. Đây là lần tăng giá thứ tư liên tiếp trong vòng chưa đầy 1 tháng, với mức tăng thêm từ 300.000 - 380.000 đồng/tấn tùy doanh nghiệp, lên khoảng 15,5 - 16,5 triệu đồng/tấn.
“Các doanh nghiệp sản xuất vẫn sẽ cần linh hoạt thích ứng với biến động giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành thép, phục vụ cho lĩnh vực xây dựng chiếm 6,6% GDP của đất nước. Giá thép ở thời điểm hiện tại đang ghi nhận đà tăng giá trở lại, song chủ yếu do mức tăng của giá nguyên liệu nhập khẩu trên thế giới, mà chưa thực sự xuất phát từ lực đẩy nhu cầu trong nước”, ông Quang Anh phân tích.
Tuy nhiên, điểm sáng kinh tế cho năm 2023, đặc biệt mang tính hỗ trợ lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu xây dựng sẽ là chính sách thúc đẩy đầu tư công, nhằm củng cố đà tăng trưởng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ.
Nhiều dự án quan trọng quốc gia liên vùng được thực hiện, các chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, sẽ mở ra cơ hội cho tiêu thụ sắt thép, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
“Biến động tỷ giá đang được kiểm soát chặt chẽ là yếu tố góp phần ổn định giá nguyên vật liệu nhập khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất”, ông Phạm Quang Anh lưu ý thêm.