Người ghi hình đèn biển
Hành trình qua 79 ngọn hải đăng
Với tư cách là phóng viên ảnh, Nguyễn Đình Lạc đã có ít nhất ba chuyến đi thực tế trên biển thật ấn tượng và vô cùng đáng nhớ trong đời. Lần thứ nhất, là vào khoảng năm 2003, anh đã thực hiện chuyến đi kéo dài 2 tháng. Để tham gia hành trình này, anh đã được báo trước gần một tháng nhằm chuẩn bị thời gian, hải trình, tiếp thu những kiến thức sơ đẳng khi đi biển như lên xuống canô, sử dụng áo phao, xem hải đồ, xác định tọa độ nơi sẽ ghi hình, tính toán thời lượng chụp, ánh sáng...
Điều thú vị nhất, qua chuyến đó, Đình Lạc đã tận mắt tiếp cận và ghi vào ống kính 79 ngọn đèn biển. Trong tổng số đó, có tám hải đăng đã có tuổi hơn 100 năm, do người Pháp để lại, đến nay qua bảo quản vẫn sử dụng tốt. Cụ thể, bao gồm hải đăng các đảo: Bảy Cạnh ở Côn Đảo (xây dựng năm 1885); Hòn Lớn - Nha Trang (1890); Long Châu, Hòn Dấu - Hải Phòng (1894); Núi Nai - Kiên Giang (1896); Hòn Khoai - Cà Mau (1899); Tiên Sa - Đà Nẵng (1902) và Mũi Dinh - Bình Thuận (1904).
Nhà báo Đình Lạc trong một chuyến tác nghiệp tác tại Trường Sa |
Phần lớn các ngọn đèn biển đều ở độc lập trên núi cao hay giữa đảo chìm xa xôi, có từ 5 - 8 nhân viên quản lý và vận hành, kiểm tra và đo đạc hàng ngày để ghi vào nhật ký đèn biển, nhật ký máy phát hiện; nhật ký VHF nghiêm ngặt theo quy định của Hiệp hội Báo hiệu hàng hải quốc tế (IALA). Đèn biển thường được xây dựng ở độ cao thuận tiện, đạt yêu cầu về tầm nhìn địa lý và tầm hiệu lực ánh sáng từ 10 - 25 hải lý (1 hải lý = 1,85 km). Hàng năm, phí thu được từ tàu bè qua các luồng biển có đèn biển lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài chức năng dẫn đường cho tàu thuyền qua lại, mỗi ngọn hải đăng còn là ngọn đèn đánh dấu tọa độ bãi cạn, làm điểm tựa cho ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước trong khu vực khai thác, đánh bắt hải sản trên khu vực biển của mình trong đêm tối giữa đại dương bao la. Chỉ cần đèn ngừng chớp một đêm có thể gây ra nhiều tai nạn trên biển, dẫn đến ngành hàng hải phải bồi thường thiệt hại cho các công ty vận tải biển.
Kể lại quá trình tác nghiệp, thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh những ngọn hải đăng, Đình Lạc có lần chia sẻ: Công việc của anh hóa ra cũng rất phức tạp vì khi thì ánh sáng trên biển quá mạnh, khi thì trời mù, khi hơi sương, hơi nước... Lại phải chụp với tầm nhìn xa cỡ 1 km, trong khi tàu đang di chuyển, không dám cập gần bờ hơn... Có khi tàu ở xa quá, phải xuống canô rập rình trên sóng, đứng không vững, sơ sẩy là ướt máy. Đối tượng chụp cũng “ác” lắm, có đèn biển cao chót vót lẩn khuất trong cây rừng, tàu ở xa không thấy rõ, áp tới gần chỉ thấy được ngọn.
Tai quái như đảo Hòn Tre (Côn Đảo), con tàu đã quần hơn ba tiếng cũng không tài nào phát hiện ra đèn biển, liên lạc về Hải Phòng để xác định lại tọa độ cũng đành chịu, chỉ khi rời đảo hơn 1 hải lý, lúc đó mới thấy ánh đèn lấp lóa, nhưng chỉ đủ thời gian chụp ba kiểu ảnh, ánh sáng ấy lại mất tăm vào núi. Hoặc như khi tàu đến gần đảo Hòn Mê, khi liên lạc với trạm đèn, anh em trên ấy bảo “quan sát mãi cũng không hề thấy tàu đâu”, còn tàu chỉ thấy mây trên đỉnh núi. Neo tàu chờ sáng mai tình hình cũng cứ vậy, trong khi đài báo gió mùa đông bắc sắp về, giữa vịnh Bắc bộ khó tìm chỗ ẩn nấp.
Cảm xúc Hoàng Sa
Nguyễn Đình Lạc là một trong những phóng viên ảnh xông xáo, thường xuyên tham gia, cộng tác trên hầu hết các tờ báo uy tín miền Trung và cả nước. Trong thời gian công tác tại Tạp chí Hàng Hải, cùng với chuyến hành trình 2 tháng trên biển, ghé qua 79 ngọn hải đăng trải dài dọc ven biển hình chữ S của đất nước. Anh cũng là người có cơ hội trở thành một trong các phóng viên ảnh đặt chân ra vùng biển Hoàng Sa sớm nhất (2004).
Vào một sáng chủ nhật năm 2004, nhận được tin từ Đà Nẵng Radio có vụ nổ bình gas từ tàu cá ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa khiến nhiều người bỏng nặng, DANANG MRCC lập tức thẩm tra nguồn tin, xác định hiện trạng tọa độ tai nạn, đồng thời nối mạng cho Trung tâm y tế 115 Đà Nẵng liên lạc qua sóng radio hướng dẫn sơ cứu tạm thời. Theo thông tin ban đầu được kiểm định, tàu cá bị nạn đang ở tọa độ 15 độ 13,N, 110 độ 49, cách Đà Nẵng 180 hải lý. Được lệnh điều động, tàu cứu nạn SAR 27-01 xuất phát ra khơi. Cùng có mặt trên chuyến đi này, Đình Lạc kể lại: Thời điểm đó, cũng như bây giờ, tình hình Hoàng Sa chưa bao giờ yên bình. Do vậy, lãnh đạo tàu đã yêu cầu tàu cá bị nạn mở hết tốc độ hướng vào bờ, vừa để bảo đảm tính mạng, vừa rút ngắn thời gian tiếp cứu nạn. Khi tàu SAR vừa cập mạn, lập tức nạn nhân được chuyển lên tàu để các bác sĩ cấp cứu. Ngay sau đó, tàu SAR quay lại Đà Nẵng với tốc độ cao nhất, và đến sáng sớm hôm sau tàu đã cập bờ an toàn. Sau này, đã có dịp Đình Lạc chia sẻ: thời gian tiếp cận vùng biển Hoàng Sa để tác nghiệp với một phóng viên ảnh như anh tại lúc ấy là quá ngắn so với những chuyến đi khác, nhưng phải nói cảm xúc vô cùng bồi hồi…
Ngay khi nghe tin Nguyễn Đình Lạc đột ngột qua đời, anh mất vào ngày 23/11 vừa qua, trong nỗi tiếc thương của người thân và bạn bè đồng nghiệp, chị Huỳnh Yên Trầm My, biên tập viên Nhà xuất bản Đà Nẵng đã bày tỏ tiếc nuối: “Không dễ có được mấy phóng viên ảnh sống hết mình với nghề như Đình Lạc, anh đã ròng rã hàng tháng trời lênh đênh trên biển để ghi lại hình ảnh gần như đầy đủ các ngọn hải đăng của đất nước mình... Đình Lạc chịu đi và chịu chụp ảnh lắm. Chúng tôi có kế hoạch bắt tay vào làm tập sách ảnh “Những ngọn hải đăng” thì tiếc thay, chưa thực hiện được bản thảo, anh đã không còn!”.