Người Sa Pa làm du lịch
Sa Pa không lặng lẽ | |
Có một nốt trầm nơi ấy... |
Phát huy những lợi thế
Sa Pa do người Pháp khám phá và tiến hành quy hoạch, xây dựng trở thành nơi nghỉ mát, điều dưỡng lý tưởng. Trải qua thời gian, sự đổi thay đã hằn in bởi biết bao cố gắng, nỗ lực của người nông dân. Thế nhưng những nét độc đáo trong cảnh sắc, những biệt thự còn giữ được lối kiến trúc cổ, cộng với nhiều nét văn hóa đặc trưng còn được giữ gìn và bảo lưu, đã giúp mảnh đất này luôn hấp dẫn du khách.
Đặc biệt vào mùa xuân, hoa rừng đua sắc đua hương, trai gái gọi nhau vào mùa hội, tiết trời trở nên ấm áp hơn thì các hoạt động phục vụ vui xuân, tham quan bản làng càng trở nên sôi động. Vậy điều gì đã khiến Sa Pa luôn hấp dẫn du khách?
Người Tày ở Sa Pa biểu diễn các làn điệu dân ca phục vụ du khách |
Theo một số du khách nước ngoài, thì ngoài yếu tố khí hậu độc đáo, một ngày chia thành 4 mùa khá rõ nét, thì cảnh sắc, văn hóa cũng như việc liên kết giữa các tour đi các huyện Bắc Hà, Bát Xát… đã làm nổi bật lên những nét đặc trưng.
Qua tìm hiểu trong nhiều năm qua, để tận dụng lợi thế làm du lịch, người nông dân ở Sa Pa đã thay đổi. Trước hết đã thay đổi cách nhìn về cuộc sống theo hướng mở, không còn hạn hẹp, nhỏ lẻ như cách mà bao nhiêu năm trước họ sống theo kiểu tự cung tự cấp, nghĩ đến cái lợi trước mắt.
Thứ hai là thay đổi tư duy, tổ chức để Sa Pa trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thân thiện không chỉ với khách trong nước mà hướng tới phục vụ một cách chuyên nghiệp, năng động đối với đối tượng khách nước ngoài.
Theo đó, người nông dân còn trang bị kỹ năng làm du lịch, vốn ngoại ngữ để giao tiếp. Điều dễ nhận thấy là trẻ em ở Sa Pa giao tiếp với khách quốc tế bằng ngoại ngữ rất tốt, hướng dẫn khách, giao lưu, bán hàng... Theo không ít chuyên gia, đây là bằng chứng, chứng tỏ họ đã hòa nhập rất tốt và là con đường thay đổi cuộc sống của họ.
Giúp bà con “ấm bụng”
Tại Sa Pa những năm qua đã nổi lên nhiều tấm gương làm du lịch, phát triển kinh tế. Tiêu biểu như cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Su đã thành lập Sapa O’Chau, cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải theo mô hình du lịch cộng đồng. Đây là hình thức tổ chức du lịch thiện nguyện, gây dựng quỹ giúp đỡ trẻ em, người nghèo và nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng. Theo thời gian cô còn mở rộng sang kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm tại Sa Pa.
Mới đây, Tẩn Thị Su còn thành lập ra trường học, có tên Sapa O’Chau (cũng có nghĩa là cảm ơn Sa Pa). Nhiều người đặt câu hỏi vì sao một cô gái nhỏ nhắn, sinh năm 1986 lại có thể trở thành một tấm gương thiện nguyện từ hơn chục năm qua, đồng thời năng động tạo sinh khí cho vùng du lịch?
Cô bảo rằng, là vì thương bà con, thương người Mông nên cái đầu phải nghĩ. Mà không phải học đâu xa, cứ học những vị khách đến khám phá, họ thông minh, nhiệt tình và tôi biết có thể hợp tác được với họ.
Một tấm gương khác về tổ chức du lịch homestay, là ông Đào A Son ở bản Dền (xã Bản Hồ) - người đầu tiên trong bản làm tour du lịch Sa Pa giá rẻ. Ông cho biết mô hình đón khách về “3 cùng” (ăn, ở, làm) đã phát triển ở Sa Pa khoảng hơn 10 năm nay, đồng thời mô hình của ông cũng trở thành một trong những “đặc sản du lịch” ở Sa Pa.
Nhiều người nông dân ở bản Dền nhớ lại, trước đây hơn 130 hộ ở bản Dền chỉ biết làm nương rẫy nên cuộc sống rất khó khăn, vất vả. Những người con bản Dền được đi học trăn trở: “Truyền thống văn hóa thì có hát Then, đàn tính, múa xòe, cảnh sắc thì tuyệt vời, vậy sao chấp nhận đói nghèo?”.
Ông Son là một trong những người đi đầu không chấp nhận đói nghèo. Từ hơn chục năm trước, ông đã được dự các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch, sau khi có kiến thức, ông vay tiền anh em, ngân hàng để sửa sang nhà cửa, mua sắm trang bị nội thất, chuyển khu chăn nuôi xa nơi người ở.
Ông Son tâm sự: “Ngoài cải tạo về nhà, tôi cũng phải đào ao thả cá, nuôi gà đen, trồng mận tím, rau cải… để làm nguồn cung cấp thực phẩm khi đón khách. Vợ tôi cũng củng cố lại kiến thức dệt vải và thổ cẩm để có thể hướng dẫn cho khách làm, rồi còn bán sản phẩm cho khách nữa”.
Noi gương, nhiều người dân đầu tư tiền của, làm mô hình homestay phục vụ khách. Đến nay bản có 34 nhà sàn chuyên đón du khách, mỗi nhà sàn được cải tiến thêm một tầng gác, có thể phục vụ 40 người. Nhờ làm dịch vụ, đời sống bà con được nâng lên, bụng ấm, cơm no, bà con nghĩ đến chuyện đầu tư cho con cái học hành.
Với sự phát triển chung, bản Tản Van Giáy (xã Tả Van) cũng đã chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, từ nông nghiệp sang phục vụ du lịch. Ông Lồ Văn Phúc, người dân tộc Giáy, chia sẻ: “Phục vụ du khách bằng những cái mình có sẵn và tự sản xuất được, rất yên tâm. Ngoài có thể kiếm được tiền, nâng cao đời sống kinh tế chúng tôi còn có thể giới thiệu tới du khách truyền thống văn hóa của dân tộc mình tới khách quốc tế. Phải nói thật, phong cách của khách nước ngoài như Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ… rất hay. Họ dạy chúng tôi nhiều lắm. Cách họ làm việc rất chuyên nghiệp, đúng giờ, hiệu quả. Nhờ họ mà thái độ phục vụ của chúng tôi cũng được nâng lên. Thậm chí, như ông Đỗ Trọng Nguyên, gia đình ở đây là nông dân, đã mạnh dạn mở công ty du lịch để có thể hòa nhập, tổ chức các tour kết nối với các địa chỉ du lịch khác quanh khu vực, bằng dịch vụ lữ hành khá sôi nổi”.
Và bảo tồn
Thật dễ dàng nhận thấy xu hướng hội nhập, phát triển, và mở rộng thu hút khách nước ngoài. Đồng thời, với nỗ lực vươn lên, chính người làm du lịch địa phương đã luôn làm mới mình và không ngừng học hỏi, để phong cách phục vụ tốt hơn. Người dân bản địa cho rằng, đã có những nét phong cách làm việc mà bản thân học “ngấm” trong quá trình giao tiếp, tiếp biến văn hóa phương tây.
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, để hoạt động du lịch phát triển bền vững, đòi hỏi việc quản lý tốt, phát huy thế mạnh, giảm thiểu cái chưa đẹp để trở nên đẹp trong mắt du khách.
Tuy nhiên, vấn đề thương mại hóa cũng làm mai một nhiều nét văn hóa. Thậm chí có những khía cạnh bị “Tây hóa” thái quá. Theo nhiều chuyên gia, không ai khác chính người dân phải ý thức được việc vừa làm du lịch, hội nhập vừa làm văn hóa. Mới đây nhiều chuyên gia nêu ý kiến, Sa Pa cần chú trọng hơn đến chất lượng chứ đừng quá “say sưa” tới chuyện đông khách.
Bởi xét đến cùng, du lịch phải là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế, đồng thời phải là kênh tuyên truyền, quảng bá và gìn giữ văn hóa đậm bản sắc. 9 năm qua “Đề án bảo tồn, khai thác phát triển bản sắc văn hoá dân tộc huyện Sa Pa” đã được triển khai trên nhiều hạng mục và đã xây dựng được chương trình nghiên cứu các di sản về kiến trúc, nghề thủ công, lễ hội, trang phục, đặc điểm của sinh hoạt văn hóa để xây dựng thành các sản phẩm du lịch.
Nhiều sản phẩm văn hóa tinh thần của người dân đã được bảo lưu, hy vọng đó là chất liệu để làm dữ liệu cho những đánh giá và làm định hướng phát triển văn hóa, du lịch tại Sa Pa nói riêng, Lào Cai nói chung.
Lại một mùa xuân nữa đến. Sa Pa như nàng công chúa duyên dáng giữa vườn quốc gia Hoàng Liên, với muôn hoa thơm trái ngọt.