Sa Pa không lặng lẽ
Sa Pa vùng đất được mệnh danh một “Đà Lạt thứ hai” cùng với đỉnh núi Fansipan như thách thức sự chinh phục của con người với thiên nhiên cùng sự lặng lẽ yên bình vùng sơn cước cứ thế đã hấp dẫn, lôi cuốn bao lữ khách. Thế mà mãi đến những ngày tháng tám này, người viết mới được đặt chân đến.
Sau một chút ngỡ ngàng với vẻ đẹp bất ngờ của “nàng công chúa ngủ trong rừng” đã được người Pháp đánh thức từ năm 1901, Sa Pa dường như đã tự đánh mất mình qua thời gian với cái vẻ ồn ào náo nhiệt của một phố thị hơn là một “thị trấn bình yên”. Những ngôi nhà với đủ kiểu cách xây dựng, đủ bảng hiệu, làm cho du khách có cảm giác như một cô gái lòe loẹt với “hương đồng cỏ nội bay đi… quá nhiều”.
Ngược dòng thời gian, với vị trí nằm ở độ cao 1.500m trên lưng chừng núi, với khí hậu trong lành, mát mẻ, ngay từ ban đầu, người Pháp đã sớm xác định xây dựng Sa Pa trở thành khu an dưỡng phục vụ những Âu kiều không thích nghi được với khí hậu nhiệt đới. Với mục tiêu xây dựng một “kinh đô nghỉ hè” thực sự trên vùng núi miền Bắc Kỳ, theo hướng dân sự hoá.
Kể từ năm 1909, người Pháp đã cho xây dựng khách sạn Chapa, nằm trên đường từ Sa Pa ra Lào Cai, đến năm 1914, khách sạn Fansipan được xây dựng và tiếp đó năm 1932, một khách sạn sang trọng mang tên Le Metropole với 50 phòng hạng sang và 10 phòng hạng đặc biệt được khai trương, nằm ở dưới chân núi Hàm Rồng và tiếp giáp với hồ Sa Pa hiện nay.
Rất tiếc, những địa chỉ trên đã bị mờ nhạt dần theo thời gian… thay vào đó là những kiểu nhà nghỉ, khách sạn xây dựng tự phát, thiếu một quy hoạch tổng thể, chỉn chu…
Chị Minh Hiền, một công dân Sa Pa nay đang sinh sống tại Hà Nội xuýt xoa. Sa Pa trước đây đẹp lắm. Những ngôi nhà luôn ẩn mình trong núi, trong sương, trong cây cỏ… như hớp hồn du khách. Thế mà nay… chị Hiền bỏ lửng câu nói, như tiếc nuối một thời đã mất… một vẻ đẹp “lặng lẽ Sa Pa” đã bị đánh cắp?
Người viết cũng cảm thấy hối tiếc khi mình đặt chân đến Sa Pa quá muộn. Chỉ còn đây, một Sa Pa không lặng lẽ. Để rồi khi sải bước chậm rãi ven hồ Sa Pa, lòng thầm mong. Giá như Sa Pa cũng được quy hoạch nghiêm ngặt như ở Hội An và các cơ quan quản lý ở đây có tầm nhìn về phát triển du lịch dài lâu, thì “cô gái Sa Pa” vẫn mãi hớp hồn du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên này?
Một điều nhỏ khác muốn cùng chia sẻ. Đó là chuyện các phòng vệ sinh tại hai trạm dừng chân dọc theo con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Vừa tạm bợ, vừa không đảm bảo vệ sinh. Lại chợt nhớ về chuyến bộ hành gần như suốt chiều dài đất nước Thái Lan. Cứ hơn một giờ xe chạy, lại có một trạm dừng chân. Với đầy đủ cây xăng, nhà vệ sinh, quầy giải khát, siêu thị mi ni, nơi bán hàng lưu niệm… Đặc biệt là nhà vệ sinh rất sạch sẽ, có cả phòng vệ sinh dành cho người tàn tật.
Lại chợt nghĩ. Con đường cao tốc kia có thể ta còn nghèo phải dùng vốn ODA để xây dựng, nhưng còn trạm dừng chân như cách làm của người Thái thì đâu phải do chúng ta nghèo. Có chăng đó là nghèo về cách suy nghĩ để đầu tư và thu hút khách du lịch vậy?