Nguồn vốn chính sách, “điểm tựa” của người nghèo (Bài 1)
Bài 1: Nguồn vốn chính sách, “điểm tựa” của người nghèo
Sau thời gian chấp hành xong án phạt tù, anh Phạm Văn Tùng, sinh năm 1974 trở về địa phương sống cùng gia đình ở thôn Phong Cốc, xã Đức Long. Như bao người bình thường khác, những người hoàn lương như anh cũng có ước mơ về cuộc sống ổn định và một mái ấm bình yên. Và, trên chặng đường bắt đầu lại cuộc sống mới, cố gắng để trở thành công dân tốt, anh cùng vợ con tích cực lao động sản xuất để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, do thiếu vốn kinh tế gia đình chỉ trông vào làm nông nghiệp và làm thuê nên không khấm khá là mấy. Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được cán bộ hội phụ nữ triển khai về địa phương như mở ra “con đường sáng” cho anh. Được sự hỗ trợ giúp đỡ của chính quyền địa phương và ngân hàng chính sách xã hội anh là một trong những người đầu tiên trên địa bàn thị xã được tiếp cận vốn vay. Vui mừng đón nhận số tiền 100 triệu đồng từ NHCSXH, anh Tùng đầy ắp niềm tin trên hành trình làm lại cuộc đời. Có vốn, anh đã phát triển kinh tế theo mô hình nuôi Trâu và chăn nuôi nhỏ tại gia đình. Nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân, mô hình kinh tế của anh ngày một phát triển, hiện nay anh có tổng đàn 54 con Trâu, giá trị kinh tế trên 500 triệu đồng, hàng tháng cho anh thu nhập bình quân đạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
Với tấm bằng đại học kinh tế, đại học mỹ thuật khoa điêu khắc loại giỏi, Chị Trần Thị Hằng và anh Nguyễn Văn Lâm đều có công việc ổn định ở thành phố. Xong ấp ủ làm một điều gì đó mang dấu ấn cá nhân, có giá trị lâu dài hơn luôn hiện hữu. Vì thích gốm và đã sưu tầm gốm từ nhiều năm nên vợ chồng chị quyết định "bỏ phố về quê" để mở xưởng làm gốm. Một xưởng sản xuất gốm nhỏ bằng chất liệu nhựa với vốn đầu tư ban đầu hạn hẹp đã được gây dựng. Càng làm, tình yêu gốm càng mãnh liệt và sự chỉn chu, cẩn thận trong nghiên cứu thị trường, vợ chồng trẻ 9X quyết định chọn cho mình một lối đi riêng, đó là chế tác sản phẩm gốm phong thủy, tâm linh. Năm 2024, chị được Hội phụ nữ và NHCSXH thị xã Quế Võ cho vay 1 tỷ đồng từ nguồn vốn phụ nữ khởi nghiệp. Nguồn vốn được giải ngân như phao cứu sinh giúp vợ chồng trẻ thực hiện được ý tưởng đang ấp ủ. Anh chị đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng để mở rộng sản xuất. Nhờ nhanh nhẹn, hoạt bát, sản xuất sản phẩm chất lượng nên việc kinh doanh gốm của anh chị ngày càng thuận lợi, các mặt hàng sản xuất ra đã được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến và ưu chuộng. Hiện nay xưởng đi vào hoạt động ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động, doanh thu của 2 vợ chồng mỗi tháng sau khi trừ chi phí đạt 20 đến 30 triệu đồng. Và điều quan trọng nhất là anh chị đã đưa gốm truyền thống Phù Lãng đi vào đời sống, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa toát lên hồn cốt của người Việt. Có thu nhập, hằng tháng, anh chị trả lãi và một phần nợ gốc cho ngân hàng CSXH. Nguồn vốn vay từ chương trình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” là điểm tựa vững chắc và là động lực quan trọng giúp vợ chồng trẻ hiện thực hóa được ước mơ, dự định và làm giàu chính đáng.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng ngàn khách hàng trên địa bàn thị xã được đón nhận nguồn vốn vay của NHCSXH thị xã. Xác định nguồn vốn chính sách là “điểm tựa” giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn vươn lên ổn định cuộc sống. Những năm qua, PGD NHCSXH thị xã Quế Võ luôn chú trọng, tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng. Nguồn vốn chính sách đến 100% xã, phường trên địa bàn, trong đó tập trung ưu tiên các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, Hỗ trợ việc làm duy trì và mở rộng việc làm, nguồn vốn thanh niên khởi nghiệp, phụ nữ khởi nghiêp, vốn vay theo QĐ số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng chính phủ.
Để đảm bảo nguồn vốn đến tận tay người vay vốn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người vay, PGD NHCSXH thị xã Quế võ đã xây dựng được mạng lưới rộng khắp với 350 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động đến 100% các thôn, khu trên địa bàn và duy trì hoạt động tốt của 21 điểm giao dịch xã, phường. Việc cho vay được họp bình xét công khai, dân chủ nên đồng vốn đã thật sự đến được tay người nghèo và các đối tượng thụ hưởng.
Tính đến hết tháng 9/2024, tổng nguồn vốn của NHCSXH thị xã Quế Võ là trên 634 tỷ đồng. Ngân hàng đang thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng với tổng dư nợ trên 631 tỷ đồng với 12.745 khách hàng vay, tỷ lệ tăng trưởng 3,4%. Trong đó có 6 chương trình tín dụng có dư nợ lớn, nhất là chương trình cho vay vốn Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và giải quyết việc làm. Đặc biệt chương trình cho vay theo QĐ 22 của Thủ tướng Chính phủ đã giải ngân được 14 đối tượng thụ hưởng với dư nợ 1 tỷ 350 triệu đồng.
Từ thực tế cho thấy, nguồn vốn cho vay từ các chương trình tín dụng chính sách đã “tiếp sức” và là “điểm tựa” tài chính vừng chắc cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như các đối tượng chính khác thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.