Phát huy vai trò lãnh đạo của đảng trong thực hiện chính sách xã hội (Kỳ 1)
Kỳ 1: Chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống
Bắc Kạn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc Bộ, có diện tích tự nhiên trên 4.800km2 gồm có 08 đơn vị hành chính với 108 xã, phường, thị trấn. Dân số trên 323.000 người, dân tộc thiểu số chiếm hơn 88%. Toàn tỉnh có 82.325 hộ dân với 18.067 hộ nghèo (chiếm 21,95%) và 7.492 hộ cận nghèo (chiếm 9,1%).
Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy các cấp tổ chức quán triệt, triển khai đến các chi, đảng bộ và cán bộ đảng viên, giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động. Các sở, ngành liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong toàn đơn vị. Cấp ủy các cấp tổ chức quán triệt, triển khai đến các chi, đảng bộ và toàn thể cán bộ, đảng viên, đồng thời giao Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành kế hoạch triển khai thực hiện...
Cán bộ Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn giao dịch tại phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn) |
Hằng năm, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện hoàn thành 100% công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng CSXH và công tác cho vay ủy thác. Trong đó, chú trọng nội dung kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, trọng tâm là nâng cao chất lượng quản lý vốn vay, tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Chỉ đạo các ngành chuyên môn, chính quyền địa phương các cấp thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để NHCSXH các cấp làm cơ sở cho vay. Bên cạnh đó, HĐND cấp huyện, cấp xã thường xuyên thực hiện giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín dụng CSXH. NHCSXH tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở, các trang, cổng thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương đăng tải và đưa tin kịp thời các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang triển khai trên địa bàn, đặc biệt là các chương trình tín dụng CSXH mới. Đồng thời quán triệt, tuyên truyền, triển khai các chương trình tín dụng chính sách mới tại các buổi giao ban với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ông Hà Sỹ Côn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn: Những năm qua, Chi nhánh NHCSXH đã thực hiện tốt công tác tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch về việc thực hiện Chỉ thị đến các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã, đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp. Các giải pháp trong hoạt động tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. |
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ba Bể (Bắc Kạn) giải ngân vốn vay tại xã Quảng Khê |
Ghi nhận và đánh giá những kết quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn khẳng định: Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt các giải pháp như: Tăng cường chỉ đạo, phát huy vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giải quyết việc làm, bảo đảm công tác an sinh xã hội; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, xem xét nâng mức vay, thời hạn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; bố trí huy động nguồn lực thực hiện tín dụng CSXH, tiếp tục cân đối ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH theo các quy định của Trung ương, của tỉnh gắn việc chuyển vốn ủy thác cho NHCSXH với thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống NHCSXH trên địa bàn. Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tín dụng CSXH tại địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, thường xuyên bồi dưỡng đạo đức, nghiệp vụ, quy hoạch cán bộ nhất là cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số để thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn.
Hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW, Kết luận số 06- KL/TW của Ban Bí thư, số hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được vay vốn từ NHCSXH đạt 173.485 lượt hộ; có 22.676 hộ thoát nghèo; 1.114 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 20.316 lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; 3.697 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 36 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tái hòa nhập cộng đồng; 68.667 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 1.403 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.