Nhà đầu tư chứng khoán có “bối rối” trước sự xoay chuyển các nhóm ngành?
Các chuyên gia đánh giá, nền kinh tế tại Việt Nam vẫn đang phục hồi tốt, nhưng do có độ mở lớn nên các doanh nghiệp cũng đang dần “ngấm” sức ép từ các yếu tố bên ngoài. Chính vì vậy, đã bắt đầu có sự xoay chuyển về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, khi một số ngành trước đó vẫn tăng trưởng tốt nhưng đến thời điểm này bắt đầu ít đơn hàng, như ngành dệt may. Ngược lại, trong khi một số ngành trước đó đối mặt với cú sốc giảm mạnh lợi nhuận thì lại đang được dự báo phục hồi tốt, như ngành thép…
Ảnh minh họa. |
Kinh tế vĩ mô vẫn rất tích cực
Đánh giá về độ “ngấm” của các chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu đến nền kinh tế trong nước hiện nay, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), cho biết để đối phó với lạm phát, hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều dùng công cụ chính sách tiền tệ là tăng lãi suất.
Hai tháng gần đây, một làn sóng tăng lãi suất ở khắp các nước trên thế giới, từ các nước thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) đến các nước lớn như Mỹ. Tại Mỹ, theo như Fed trước đây có định hướng, lãi suất đến cuối năm 2022 chỉ ở mức khoảng 2,5%. Tuy nhiên đến nay, Fed đã tăng lãi suất lên đến 2,5% và dự kiến đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng vào khoảng 3,1-3,6%.
Các ngân hàng đều nới thêm dư địa tăng lãi suất trong thời gian tới để kiểm soát lạm phát, dẫn đến rủi ro sức mua của người tiêu dùng giảm. Đồng thời, chính sách thắt chặt tiền tệ cũng làm gia tăng rủi ro suy thoái trên toàn cầu.
Tuy nhiên, những chỉ số vĩ mô của Việt Nam vẫn khá tích cực trong 8 tháng qua, có thể thấy những ảnh hưởng ở bên ngoài chưa phản ánh nhiều vào nền kinh tế Việt Nam. Ví dụ, sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng sang tháng thứ 6 liên tiếp, lạm phát CPI của tháng 8 tăng rất thấp và so với mức đặt ra đầu năm là tăng dưới 4% cả năm thì vẫn còn dư địa. Nếu so với hầu hết các nước châu Á, Đông Nam Á thì mức tăng CPI của Việt Nam hiện tại chỉ cao hơn Trung Quốc. Xuất khẩu vẫn duy trì ở mức tích cực, trong khoảng hai quý gần đây, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt khoảng 30 tỷ USD một tháng, luỹ kế 8 tháng xuất khẩu tăng 17%.
Bên cạnh đó, mặc dù vẫn còn một số áp lực về lãi suất và tỷ giá từ bên ngoài, tuy nhiên với chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay tiền đồng chỉ mất giá so với USD khoảng 2,7%, mức mất giá thấp hơn rất nhiều so với đồng tiền của các quốc gia khác trong khu vực.
Liên quan đến tăng trưởng, với những tín hiệu hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin GDP trong quý III có thể tăng trưởng trên 10%.
“Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s gần đây đã nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức Ba2. Như vậy, chúng ta chỉ còn cách mức xếp hạng đầu tư có hai bước. Và đây cũng là mức xếp hạng cao nhất mà Moody’s dành cho Việt Nam kể từ năm 1997. Điều đó cho thấy họ cũng đánh giá rất cao nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại”, ông Hiển trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8.
Nhưng doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn
Về tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, ông Ngô Thế Hiển cho biết số liệu tổng hợp trong quý II cho thấy tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn tăng khoảng 11%, một con số vẫn rất tích cực, thể hiện các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang có một vị thế chống chọi được khá tốt trước những biến động ở bên ngoài.
Tuy nhiên, trong một vài tháng trở lại đây, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu cũng đã bắt đầu cảm nhận các dấu hiệu khó khăn. Ví dụ, ngành dệt may có một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đơn hàng, do giảm số lượng đơn hàng hoặc bị hủy đơn hàng. Hay với ngành thủy sản, giá cả ở Mỹ hay ở châu Âu tăng cao khiến cho người tiêu dùng các khu vực này có xu hướng giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Đối với doanh nghiệp vận tải, thời gian gần đây giá vận tải cũng có xu hướng giảm, chuỗi cung ứng đã bớt căng thẳng so với trước, điều này một phần cũng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Dưới góc nhìn của mình, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, cho biết tình hình dường như đang khó khăn hơn so với trước, đặc biệt các đơn hàng cũng có sự ảnh hưởng. Tuy nhiên, nên tận dụng những ưu thế mà chúng ta có thể cải thiện, ví dụ giá cước vận tải đường biển trên thế giới đã giảm khoảng 60% và theo dự báo vẫn có thể tiếp tục suy giảm đến năm 2023, trước khi tăng nhẹ vào năm 2024.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể lưu ý về tỷ giá. Ví dụ, hàng Việt Nam có thể ưu tiên xuất khẩu vào những khu vực, những nền kinh tế có đồng tiền mạnh hơn, nhưng lại nhập khẩu từ những khu vực mà đồng Việt Nam mạnh hơn.
Cần quan tâm hơn đến phân tích doanh nghiệp
Theo ông Ngô Thế Hiển, ở thời điểm hiện nay, sự phân hóa trên thị trường chứng khoán rất mạnh, bao gồm cả phân hóa giữa bản thân các doanh nghiệp trong cùng một nhóm ngành. Vì vậy, nhà đầu tư cần lưu ý và quan tâm nhiều hơn đến hoạt động phân tích doanh nghiệp.
Theo ông, quan điểm khi lựa chọn doanh nghiệp sẽ dựa trên 4 yếu tố: Thứ nhất, doanh nghiệp đó phải có triển vọng tăng trưởng kinh doanh trong giai đoạn tới. Thứ hai, doanh nghiệp phải có nền tảng tài chính đủ mạnh. Thứ ba, doanh nghiệp có nền tảng quản trị chuyên nghiệp và minh bạch. Thứ tư là yếu tố về định giá.
Ông Hiển cho rằng nhà đầu tư chỉ nên mua khi định giá doanh nghiệp ở vùng hấp dẫn. Các doanh nghiệp mặc dù có tăng trưởng nhưng giá vẫn cao thì sẽ không có triển vọng để đầu tư như những doanh nghiệp kém hơn nhưng định giá hấp dẫn. Về nhóm ngành, một số nhóm như đầu tư công, ngân hàng, thực phẩm, cảng biển - logistics hay dầu khí… là những nhóm có thể đưa vào theo dõi và chắt lọc cơ hội đầu tư.
Ông Phan Dũng Khánh thì cho rằng trong 8 tháng vừa qua, thị trường hết nửa đầu năm là xấu và sau đó bắt đầu hồi nhẹ đến hiện tại. Chính vì thế, nếu nhìn lại thì kênh đầu tư "tuyệt vời" nhất trong giai đoạn đầu năm lại là tiền gửi tiết kiệm khi thu về được khoảng 6-7%, chưa kể đồng Việt Nam tăng giá so với euro, bảng Anh, yên Nhật. Bởi vậy, trong giai đoạn cuối năm, nhà đầu tư có thiên hướng phòng thủ nhiều hơn và để một tỷ trọng tiền mặt lớn trong danh mục. Một số ngành cũng đang có dấu hiệu tiềm năng nhưng nhà đầu tư không tất tay và không sử dụng đòn bảy tài chính.
"Cổ phiếu với nhóm ngành nào giá đã cao thì nhà đầu tư vẫn có thể mua nếu bán được giá cao hơn nữa, nhưng phải xem dòng tiền đổ vào cổ phiếu đó còn hay không, dòng tiền ngắn hay trung dài hạn... Một số nhóm ngành có thể gợi ý đó là ngành thực phẩm, công nghệ, vận tải, hàng tiêu dùng…", ông Khánh chia sẻ.