Nhạc sĩ Dương Thụ: Bản tổng kết âm nhạc
Nhạc sĩ Phong Nhã: Một tâm hồn mãi của tuổi thơ Nhạc sĩ - dịch giả Xuân Oanh: Người bắc nhịp cầu văn hóa |
Nhạc sĩ chọn tựa đề “Dương Thụ - 80 năm, một giấc mơ” cho album đặc biệt lần này. Nói là đặc biệt, bởi vì album này không thuần túy, mà là đĩa than được thực hiện hết sức công phu, do chính nhạc sĩ Dương Thụ biên tập, Viết Tân Studio sản xuất. Tâm sự tại buổi ra mắt album, nhạc sĩ Dương Thụ nói: "Ở tuổi ngoài 80 cùng 50 năm hoạt động âm nhạc, giấc mơ tôi ấp ủ giờ thành hiện thực". Trước đó, ông thực hiện gần 20 album từ casette tới CD, phần lớn xuất hiện chung cùng tác giả khác, số còn lại nằm trong album cá nhân của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh và loạt ca sĩ.
Nhạc sĩ Dương Thụ |
Dù nhạc sĩ Dương Thụ có số lượng tác phẩm được trình diễn và thu âm bắt đầu từ năm 1980 đến nay lên tới 107 ca khúc, nhưng bộ đĩa này chỉ có thể chọn tối đa 16 tác phẩm phổ biến nhất trong số đó và đây là những tác phẩm đã trở nên quen thuộc với công chúng yêu nhạc. Album “Dương Thụ - 80 năm, một giấc mơ” chia làm 2 đĩa: Vol.1 mang tên “Vẫn hát lời tình yêu” và Vol.2 mang tên “Họa mi hót trong mưa”.
Với quan niệm âm nhạc là "ký ức một thời", nhạc sĩ Dương Thụ coi album lần này là “bản tổng kết âm nhạc”, đồng thời ông đã cố gắng tìm bản thu gốc và chỉ thu mới khi thấy thật cần thiết. Cụ thể, đĩa Vol.1 gồm “Nghe mưa” (Nguyên Thảo thể hiện, album Suối cỏ), “Em đi qua tôi” (Nguyễn Trần Minh Đức, thu mới), “Tháng tư về” (Khánh Linh, album Họa mi hót trong mưa), “Gọi anh” (Thanh Lam, album Mây trắng bay về), “Vẫn hát lời tình yêu” (Hồng Nhung, album Nghe mưa 1), “Hát cho anh” (Mỹ Linh, album Made in Vietnam), “Bay vào ngày xanh” (Minh Đức, thu mới) và “Lắng nghe mùa xuân về” (Hồng Nhung - Bằng Kiều, album Bài hát ru cho anh). Trong đĩa Vol.2: “Họa mi hót trong mưa” (Khánh Linh, album cùng tên), “Bóng tối ly cà phê” (Bằng Kiều, thu mới), “Tiếng sóng biển” (Hồng Nhung - Bằng Kiều, album Bài hát ru cho anh), “Mong về Hà Nội” (Hồng Nhung, album Đoản khúc thu Hà Nội), “Im lặng” (Nguyên Thảo, album Suối cỏ), “Gửi mùa đông” (Bằng Kiều, ablum Chuyện lạ), “Mây trắng bay về” (Thanh Lam, album cùng tên) và “Cho em một ngày” (Hồng Nhung, album Hồng Nhung với Làn sóng xanh).
Như vậy, toàn bộ album đĩa than chỉ có 3 ca khúc thu mới (Bóng tối ly cà phê - Bằng Kiều, Em đi qua tôi và Bay vào ngày xanh - Nguyễn Trần Minh Đức), còn lại là các bản thu gốc được sản xuất với công nghệ, kỹ thuật đạt “chuẩn nghe” cho âm thanh đĩa than. “Những bản thu âm của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Khánh Linh ở thập niên 1990 và những năm đầu 2000 nghe rất xúc động, thu mới sẽ không có được tinh thần ấy”, nhạc sĩ Dương Thụ bày tỏ.
Nhớ lại hành trình âm nhạc của mình, nhạc sĩ “Lắng nghe mùa xuân về” chia sẻ: “Năm lên 9 tuổi, tôi nhìn thấy biển; năm 16, tôi nhìn thấy em, nên đã chớm biết cái rộng, cái xa, cái không thể chạm tới. Thế mà tôi vẫn hát mãi cái giấc mơ về nó. Sống mùa Đông và biết chắc mình chỉ có thể ở lại mùa Đông, lại hát về mùa Xuân. Sống trong con hẻm chật chội lại hát về biển rộng. Ngoài 40 tuổi, chẳng có một mối tình thật sự nào, vẫn chưa bao giờ chạm được vào bàn tay em, lại luôn hát về tình yêu trong sáng. Đó là một nghịch lý và cái nghịch lý ấy đã tạo thành tôi, đã sinh ra những bài hát mà tôi viết trong hơn nửa thế kỷ sống. Những bài hát của tôi đượm buồn, nhưng nó lại là sự mạnh mẽ mà một người đàn ông như tôi có thể có được”.
Với đĩa than “Dương Thụ - 80 năm, một giấc mơ”, nhạc sĩ Dương Thụ muốn mang đến cho những người yêu nhạc một sản phẩm “để nghe”. Đồng thời, ông cũng muốn góp phần xây dựng một thói quen nghe nhạc. Bởi, lâu nay, nhạc sĩ Dương Thụ đã trung thành với quan niệm: “Âm nhạc sinh ra là để nghe chứ không phải xem. Chúng ta hãy trả lại cho âm nhạc cái vị trí của nó. Nó đang trở thành kép phụ của nghệ thuật, tức là thời trang cũng dùng nhạc, múa may cũng dùng nhạc và nhạc cũng chỉ tôn lên cho những thứ kia, trở thành kép phụ trên sân khấu. Tôi không phản đối mọi người làm giải trí nhưng với tư cách một nhạc sĩ, tôi mong muốn mọi người được nghe nhạc. Theo tôi, phải xây dựng công chúng nghe nhạc. Muốn xây dựng công chúng nghe nhạc, yêu nhạc thì những người làm nghề phải làm nhạc tử tế cái đã...”.
Nhạc sĩ Dương Thụ sinh ngày 10/2/1943, quê ở Vân Đình, Hà Tây (cũ), ông từng ký nhiều bút danh Trần Xuân Nam, Vân Đình, Nguyễn Mai Vũ… Tốt nghiệp khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1965, Dương Thụ từng có thời gian làm giáo viên. Ngoài viết nhạc, có giai đoạn ông viết báo khá nhiều. Sau này, ông đã tập hợp những bài viết ấy trong cuốn sách “Cà phê… mưa” dày hơn 700 trang. “Con đường” đến với viết lách, ông bảo, cũng tình cờ lắm. “Trong những lúc tri kỷ vụn với bạn bè thỉnh thoảng cũng kể được những chuyện gì đó, nói ra được điều gì đó mà họ cho là thú vị. Thế là đám bạn làm báo đặt viết bài và tôi cũng thử viết”, ông kể.
Cứ viết “trả nợ” như thế, sau thấy nhuận bút cũng khá khá, đâm ham. Bây giờ, sau vài chục năm, những bài viết rời ấy đã thành một cuốn sách dày, được tái bản vài lần. Ở đó, độc giả không chỉ được đọc những bài tản văn, ký sự rất thâm trầm, sâu sắc của vị nhạc sĩ quê gốc ở Vân Đình về Hà Nội và những làng quê xứ Bắc mà còn có dịp chiêm ngưỡng những bản nhạc viết tay của tác giả. “Viết không phải để làm nhà văn mà để gần hơn với mọi người bằng những điều mình đã sống qua, đã hiểu, đã yêu, đã buồn bã và đau khổ”, nhạc sĩ tâm sự.
Hiện, nhạc sĩ Dương Thụ đảm nhiệm vai trò Giám đốc mô hình Salon Văn hóa Cà phê thứ 7 - chuỗi không gian văn hóa phi lợi nhuận, là điểm hẹn của những người có cùng đam mê và mong muốn lan tỏa những giá trị văn hóa nghệ thuật nước nhà như âm nhạc, điện ảnh, hội họa, điêu khắc… đã hình thành và phát triển hơn 15 năm qua. Lý giải về “vị trí” này, ông từng chia sẻ: “Tôi làm salon nghệ thuật từ năm 2009 đến nay; mỗi tuần đều đặn có âm nhạc, điện ảnh, mỗi tháng đều tổ chức talkshow với những chuyên gia đầu ngành. Tôi chia sẻ về văn hóa - nghệ thuật trong phạm vi hiểu biết của mình đều đặn mỗi tuần. Tôi thích nói về những tác phẩm, cây đàn... nói điều mình muốn nói chứ không nói điều công chúng muốn nghe. Tôi từ chối rất nhiều lời mời xuất hiện. Tôi không thích đám đông, ghế giám khảo không phải chỗ tôi ngồi. Tôi không biết nói văn chương, nói những cái to tát, ghê gớm, tỏ ra mình uyên bác. Tôi thích ngồi ở salon âm nhạc với số lượng người vừa phải, nói những gì là mình. Nói theo kịch bản là công việc của diễn viên, MC, không phải của tôi”.