Đổi tiền lẻ dịp Tết: Cẩn trọng tiền mất, tật mang
Xử lý nghiêm dịch vụ đổi tiền lẻ Tìm hiểu về việc đổi tiền tại ngân hàng Thu đổi tiền mới, tiền lẻ hưởng chênh lệch sẽ bị xử lý pháp luật |
Theo khảo sát của phóng viên, đối với các loại tiền mới với mệnh giá cao như 100.000 đồng, 200.000 đồng, mức phí đổi từ 3 - 6%. Đối với các loại tiền lẻ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, mức phí cao hơn từ 10 - 14%. Càng đổi với số lượng lớn, mức phí dịch vụ càng được chiết khấu “phải chăng”. Thậm chí, còn có khái niệm “tiền lướt”, tức là tiền đã qua sử dụng thì mức phí đổi chỉ khoảng 2-3%.
Không chỉ đổi tiền lẻ, nhiều chủ tài khoản còn rao bán các tờ tiền USD may mắn như mua tờ tiền 2 USD rắn mạ vàng có giá 140.000 đồng/tờ; cặp tiền xu Úc rắn mạ vàng, bạc kèm túi gấm đỏ có giá 80.000 đồng/cặp; tiền xu Phật tổ Như Lai có giá 60.000 đồng/xu; tiền xu Hồng Kông thần tài mạ vàng giá 60.000 đồng/xu… Các loại tiền này chủ yếu được chuyển trực tiếp từ nước ngoài về, với giá bán thường cao gấp nhiều lần so với mệnh giá thực tế, tùy vào mức độ độc, lạ của loại tiền. Đơn cử, tờ tiền có đuôi số seri theo ngày tháng năm sinh thường người mua phải trả cao hơn giá trị thực rất nhiều, dao động từ 2-10 lần thậm chí cao hơn tuỳ mệnh giá.
Với hàng “độc” hơn như seri năm sinh kép (nếu khách sinh năm 1990 thì số seri sẽ là 19901990), một tờ polyme mệnh giá 10.000 đồng sẽ có giá bán là 400.000 đồng, mệnh giá 200.000 đồng với số seri tương tự có giá 800.000 đồng, còn mệnh giá 500.000 đồng sẽ có giá 1.200.000 đồng.
Hiện TTKDTM ngày càng phổ biến khiến nhu cầu tiền lẻ giảm mạnh |
Thực tế, việc đổi tiền lẻ trên các diễn đàn mạng xã hội rất rủi ro, nhiều người đã đặt cọc tiền nhưng lại bị “bùng”, hoặc nhận lại số tiền đổi không đủ như cam kết, chưa kể đến việc nhận lại tiền giả, tiền mất tật mang. Thông tin từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, ngay trong tuần đầu tiên của năm mới 2025, đã có 6.685 phản ánh trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng internet Việt Nam gửi về. Theo cơ quan chức năng, các hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là đổi tiền lẻ qua mạng xã hội. Sau khi nhận tiền chuyển khoản từ nạn nhân, đối tượng thường xuyên chặn liên lạc và biến mất để lại người bị hại trong cảnh mất tiền mà không thể lấy lại.
Mặt khác, việc đổi tiền lẻ của các chủ tài khoản trên mạng xã hội thực tế là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN quy định hoạt động thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông của NHNN, chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: NHNN, NHNN chi nhánh, Sở giao dịch NHNN, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc nhà nước. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Các luật sư nhấn mạnh, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ để thu lợi hoặc hưởng % chênh lệch đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt.
Nhằm hạn chế tình trạng trục lợi từ nhu cầu đổi tiền dịp Tết và khuyến khích việc sử dụng các dịch vụ hợp pháp, đảm bảo quyền lợi của người dân, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới để thu lợi nhuận bị coi là vi phạm pháp luật và có thể bị phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng. Trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt gấp 2 lần, từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng.
Trước thực trạng thông tin nhận đổi tiền tràn lan trên mạng, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những đối tượng không quen biết, tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội để tránh trở thành “con mồi” tiếp tay cho các hành vi lừa đảo.
Hơn nữa, trong nhiều năm gần đây, các phương thức thanh toán số trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. TTKDTM hiện đã phổ biến khắp nơi trong cuộc sống, từ các vùng quê xa xôi đến thành thị tấp nập. Đối với nhu cầu chi tiêu của người dân dịp Tết, việc lì xì hay đi lễ chùa giờ đây cũng đều đã được số hoá với các mã thanh toán online.
Thống kê từ NHNN cho thấy, 77,41% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản thanh toán, nhiều ngân hàng báo cáo trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số, có ngân hàng đạt tỷ lệ tới 98%. Hiện thanh toán qua Internet, Mobile và phương thức QR Code đều tăng trưởng nhanh. Đến nay đã có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 52 tổ chức thực hiện qua Mobile. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua Internet và Mobile bình quân qua các năm lần lượt đạt mức 46,48%, 90,12%; riêng thanh toán qua QR Code, từ năm 2018 đến nay, tăng trưởng về số lượng giao dịch qua QR Code bình quân năm đạt 471,13%.
Các chuyên gia cho rằng, sử dụng các hình thức TTKDTM không chỉ tiện lợi mà còn là hình thức văn minh, tiết kiệm nguồn lực của xã hội và giúp tạo thói quen hiện đại, văn minh. Vì vậy, thay vì đau đầu tìm tới các hình thức đổi tiền lẻ vừa sai luật vừa nhiều rủi ro, người dân hãy làm quen với thói quen chi tiêu không tiền mặt. Về phía ngân hàng cũng cần tích cực truyền thông, có nhiều sản phẩm đa dạng tiện lợi và quan trọng là đảm bảo an toàn, bảo mật để người dân yên tâm sử dụng.