Nhạc sĩ Phong Nhã: Một tâm hồn mãi của tuổi thơ
Nhắc tới nhạc sĩ Phong Nhã là nhớ ngay tới những giai điệu như: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Nhanh bước nhanh nhi đồng”… Đó là những ca khúc dành cho thiếu nhi, của thiếu nhi nhiều thế hệ. Sinh thời, ông được ví là “vua ca khúc thiếu nhi”, “người viết biên niên sử Đội TNTP Hồ Chí Minh bằng âm nhạc”. Mới đây, lần đầu tiên những trang hồi ký của ông được công bố.
Bìa cuốn hồi ký “Đời tôi sóng nhạc bay lên” của nhạc sĩ Phong Nhã |
Nhạc sĩ Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường, sinh ngày 4/4/1924, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Ngọc Động, Duy Tiên, Hà Nam. Ông hoạt động âm nhạc quần chúng trong phong trào Hướng đạo sinh đầu những năm 40 của thế kỷ 20. Sau đó, Phong Nhã liên tục hoạt động âm nhạc thiếu nhi. Sáng tác đầu tay của ông là ca khúc “Nhanh bước nhanh nhi đồng”. Gia tài âm nhạc của ông có khoảng 200 bài hát chủ yếu dành cho thiếu nhi. Ông cũng chính là người sáng lập và là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thiếu niên Tiền phong.
Ở mảng ca khúc viết cho các em thiếu nhi, nhạc sĩ Phong Nhã đã thành công rất sớm khi mới bước vào độ tuổi 20 và trở thành một trong những nhạc sĩ đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong cuốn “Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại” có nêu nhận xét, nhạc sĩ Phong Nhã là một trong những người đóng góp đầu tiên có giá trị cho nhạc thiếu nhi từ những ngày đầu cách mạng…
Nhưng tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Văn Tường lại không phẳng lặng. Mẹ mất sớm để lại hai con thơ dại. Bố hai lần lấy vợ kế. Người chị bị bán thân bất toại… Tuy vậy, từ rất sớm, cậu bé Tường đã được làm quen với âm nhạc: “Bài học vỡ lòng về ca hát dân ca của bà cố tôi là bài học nghe, thưởng thức, thực hành hát luôn lúc chưa biết nhạc. Còn bài học của bố tôi là bài học về ký âm pháp dân tộc đầu tiên: Hò, xừ, xang, xê, cống, liu… Cụ dạy tôi tới các nốt đó trên một cây đàn nguyệt”, nhạc sĩ kể trong hồi ký.
Thuở thiếu thời, Nguyễn Văn Tường thích đi xem "cải lương hí viện" của cụ Nguyễn Đình Nghị và tham gia rất tích cực trong phong trào "Hướng đạo sinh", được bầu làm quản ca trong đội nhạc của trường. Ông còn tự tay làm được nhiều cây sáo để dạy cho các em lớp dưới. Đến năm 1944, Phong Nhã đã về quê cha ở xã Hoàng Đông (Duy Tiên, Hà Nam) tham gia xây dựng phong trào thiếu nhi và gia nhập Việt Minh ở đây. Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Phong Nhã đã ra đời ở đây trong nỗi băn khoăn của "anh phụ trách" là làm sao phải có một bài hát với khí thế tươi vui, giục giã thế hệ măng non tiến bước.
Gặp nhạc sĩ Phong Nhã trong những năm tháng cuối đời, tôi vẫn không quên ngôi nhà trong ngõ Thanh Nhàn, nhỏ và tối. Khi đó, vợ ông mới mất ít lâu. Gặp gỡ và trò chuyện với ông, có cảm giác ông không phải là người cẩn thận trong việc gìn giữ tư liệu, tài liệu cá nhân. Vì thế tôi thật sự bất ngờ khi gần đây, NXB Kim Đồng ấn hành cuốn di cảo, hồi ký “Đời tôi sóng nhạc bay lên” của nhạc sĩ Phong Nhã.
Không quá dày dặn nhưng cuốn sách đủ để cho người đọc hình dung lại cuộc đời Phong Nhã, từ thuở thiếu niên cho đến nhạc sĩ của thiếu nhi. Cuốn sách có lẽ cũng vừa vặn với tính cách muốn lui, muốn ẩn của ông. Nhà văn Nguyễn Thúy Loan - người biên tập cuốn sách này ở NXB Kim Đồng cho biết: Chính nhạc sĩ Phong Nhã là người gửi bản thảo cuốn sách này tới nhà xuất bản. Đó là vào thời điểm “những ngày chiều muộn” của cuộc đời nhạc sĩ. Khi ấy ông tập hợp những bản đánh máy, viết tay, cả những tài liệu photo cùng nhiều tư liệu gia đình khác để gửi tới nhà xuất bản, đặng mong có một cuốn sách cuối đời.
Nhưng khi việc xử lý bản thảo đang tiến hành, thì nhạc sĩ Phong Nhã đã ra đi. Hơn một năm sau ngày nhạc sĩ nằm xuống, cuốn sách mới được xuất bản, đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. “Không chỉ là hồi ký với ăm ắp kỷ niệm ân tình, bằng lời kể giản dị, “Đời tôi sóng nhạc bay lên” còn là những trang nhật ký chân thật có thể bổ sung cho cuốn biên niên sử của Đội TNTP, của một người viết sử Đội bằng những khúc ca yêu quê hương và lớn lên cùng đất nước”, đại diện NXB Kim Đồng chia sẻ.
Qua những trang viết của nhạc sĩ Phong Nhã, ta như thấy ông vẫn ở đâu đây, rất gần. Lời kể giản dị, chân thành và ấm áp. Nó như con người ông lúc trò chuyện với tôi hay đứng trước các cháu thiếu nhi. Cho dù ông viết về quê mẹ, quê cha, về những đau đớn âm thầm, hay sau này là ghi lại những chặng đường sáng tác âm nhạc, những câu chuyện của ông với những người đã gặp thì người đọc vẫn nhận ra sự hồn hậu trong trái tim ông.
Rạng sáng ngày 28/3/2020, nhạc sĩ Phong Nhã đã trút hơi thở cuối cùng. Nhưng giờ đọc cuốn “Đời tôi sóng nhạc bay lên”, có cảm giác như ông vẫn còn đây, với những lời tâm sự thật khẽ: “Năm đầu Cách mạng tháng Tám, không phải chỉ riêng tôi làm bài hát cho thiếu nhi mà các tác giả tôi vừa kể như Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Đỗ Nhuận rồi Lưu Bách Thụ… cũng có bài cho thiếu nhi. Còn về phần tôi, lúc đầu tôi vào làm công tác thiếu nhi là chính, lại do có một bài hát thiếu nhi đầu tay nên cũng bắt đầu bước vào con đường sáng tác âm nhạc. Làm công tác thiếu nhi buổi ban đầu chưa có phương tiện giáo dục gì, tôi đã sáng tác bài hát làm phương tiện tập hợp và giáo dục các em thế mà may mắn lại đạt kết quả; cho đến lúc việc viết nhạc cũng trở thành một công tác chính, một mục đích chính của mình đi song song với công tác thiếu nhi. Đó là điều bất ngờ không tính trước được lúc vào đời”.
Nhạc sĩ Phong Nhã đã trở thành “vua ca khúc thiếu nhi” với khoảng 200 ca khúc. Điều thú vị là trong số đó có nhiều hành khúc vui tươi, rộn rã, thúc giục. Trong số đó, 4 ca khúc của ông đã được bình chọn vào danh sách “50 ca khúc thiếu nhi hay thế kỷ 20”: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Hành khúc Đội”, “Kim Đồng” và “Đội ta lớn lên cùng đất nước”. Với những đóng góp của mình, nhạc sĩ Phong Nhã được trao nhiều giải thưởng cao quý, như: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, cùng nhiều huy chương, huy hiệu và giải thưởng khác… |