Nhân rộng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Cơ hội đo lường sức khoẻ Startup trong vòng đời tăng trưởng | |
Việt Nam đặt nền móng để xây dựng các "kỳ lân" khởi nghiệp | |
Nâng cao hiệu quả khởi nghiệp đổi mới sáng tạo |
Khởi nghiệp sáng tạo thu nhiều "trái ngọt"
Để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời gian qua, bộ đã đẩy mạnh hỗ trợ phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Nhằm tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, nhiều địa phương đã tổ chức các chuỗi sự kiện quy mô lớn. Mới đây nhất, tỉnh Lai Châu đã tổ chức khai mạc ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Lai Châu (Techfest Lai Châu 2022).
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh dành nhiều sự quan tâm cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo điều kiện triển khai hiệu quả và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn cuộc sống. Đây là cơ hội để Lai Châu nắm bắt thời cơ, trao đổi và tiếp thu kinh nghiệm, đẩy mạnh kết nối cộng đồng.
Việt Nam đang tạo điều kiện mạnh mẽ để hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển và gặt hái nhiều thành quả. |
Trước đó, nhân Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cũng khẳng định, tỉnh luôn tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến với các tầng lớp nhân dân; góp phần quảng bá các sản phẩm dịch vụ khoa học công nghệ và sản phẩm chủ lực, kết nối sản phẩm đến người tiêu dùng, nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường, định hướng phát triển cho các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời gian tới.
Qua đó, nhiều "trái ngọt" của chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã được gặt hái. Bà Lê Thị Bích Luyện, Giám đốc Công ty TNHH Triết Minh cho biết, với khát vọng khởi nghiệp sáng tạo để nâng tầm và hội nhập sản phẩm đặc trưng Quảng Nam, người dân có cơ hội làm giàu trên quê mình, bà đã lựa chọn Sâm Ngọc Linh là đề tài khởi nghiệp của chính mình và tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam từ năm 2020. Thay vì phát triển các sản phẩm tươi, doanh nghiệp của bà đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới như thạch sâm, trà sâm, sâm ngâm mật ong...
Trên chặng đường đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đã tạo môi trường nuôi dưỡng, thúc đẩy quá trình khởi nghiệp của bà phát triển trên vùng đất giàu truyền thống canh tân và đổi mới; lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ và những người tâm huyết, truyền lửa nhiệt huyết khởi nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp đã có được 2 sản phẩm OCOP 2020, đạt giải Ba dự án khởi nghiệp cấp tỉnh, sản phẩm đạt thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2020-2021, Huy chương vàng vì sức khỏe cộng đồng của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam trao tặng 2020...
Tương tự, nhờ có chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn, tỉnh Bình Phước đã thực hiện thành công nhiệm vụ “Xây dựng mô hình trồng một số loài cây ăn trái và rau màu đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP trên địa bàn các huyện biên giới: Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập”. Trong đó, phải kể đến sản phẩm mít ruột đỏ.
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương và tận dụng nguồn lực, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm về mít, như: mít tươi hút chân không và mít sấy lạnh với sản lượng khoảng 100 tấn múi/tháng, ông Đàm Văn Toàn, Phó giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước thông tin.
Các sản phẩm cơ bản về mặt tiêu chuẩn đã đảm bảo, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cùng các quy trình kiểm tra kết quả, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và tiêu chí môi trường, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đủ điều kiện để sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Cần nhiều giải pháp để dẫn dắt, hỗ trợ
Những kết quả trên đã phần nào góp vào thành công chung của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam trong thời gian qua. Hiện Việt Nam được đánh giá là một trong ba thị trường có hệ sinh thái khởi nghiệp năng động nhất trong khu vực, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore.
Tuy nhiên, có một thực trạng là một số thành quả của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở nước ta phải đem ra nước ngoài để trao đổi và thực hiện, rất ít các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam có định hướng rõ ràng trong việc hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp để đồng sáng tạo.
Chính vì vậy, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của quốc gia nói chung và của vùng địa phương nói riêng cũng cần phải xác định được vai trò dẫn dắt, tiên phong và tạo nền tảng một cách vững chắc hơn. Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác.
Chia sẻ về những giải pháp từ nay đến cuối năm 2022, TS. Phạm Hồng Quất cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tập trung phát triển thị trường, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh mối liên kết nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ... với mục tiêu hướng tới là ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, nâng cao mức độ tự động hóa trong các khâu của quy trình sản xuất; các sản phẩm tạo ra có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Dưới góc nhìn chuyên gia, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUp cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo rất mong chờ sẽ có doanh nghiệp lớn đi những bước đầu tiên như “chú chim đầu đàn” để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể noi theo; các đơn vị kết nối sẽ cố gắng đưa đến cho doanh nghiệp những công cụ để luôn được cập nhật về xu hướng đổi mới sáng tạo, giải pháp sẵn có trên thị trường; xây dựng nên những chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo từ cơ bản đến chuyên sâu cho các doanh nghiệp, từ đó, doanh nghiệp có thể tự tìm ra những cơ hội và khai phá tiềm năng của chính mình trong chặng đường này.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh cho rằng, Việt Nam nên có nhiều chính sách hỗ trợ, hay bảo trợ cho những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đi theo một định hướng lớn, lâu dài như ở một số nước phát triển.