Nhanh chóng luật hoá xử lý nợ xấu
Nợ xấu tăng do đâu Chuyển đổi số trong tạo lập thị trường mua bán nợ tập trung tại Việt Nam Ngân hàng lo cải thiện chất lượng tài sản |
Đó là nội dung được trao đổi tại Hội thảo: “Vấn đề xử lý nợ xấu trong Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)” do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức ngày 17/5.
Chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quản lý cũng như tạo môi trường pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Cùng với Luật các tổ chức tín dụng, ngày 15/8/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Toàn cảnh Hội thảo |
Theo ông Tuấn, việc thực hiện Nghị quyết số 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến cuối tháng 01/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 đạt 211,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,9% tổng nợ xấu đã xử lý).
Ngoài ra, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 29,3% tổng nợ xấu đã xử lý). Xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 19,7%).
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ, trải qua 6 năm triển khai, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, cùng với sự chủ động của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực sự đã mang lại những hiệu quả rõ rệt cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần thay đổi ý thức trách nhiệm của toàn xã hội với việc trả nợ ngân hàng. … Theo đó, chất lượng tín dụng đã từng bước được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng được kiểm soát, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động động sản xuất, kinh doanh của nên kinh tế.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu tại Hội thảo |
Vẫn còn nhiều khó khăn trong thu hồi nợ
Tuy nhiên, theo các chuyên gia bên cạnh những mặt đã đạt được, sau hơn 12 năm thực hiện với một lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2017, một số quy định tại Luật các TCTD đã không còn phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn. Nghị quyết 42 sau hơn 6 năm thí điểm trên thực tiễn cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh cần được rà soát để hoàn thiện thêm.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ - gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.
Chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi nợ, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, còn hiện tượng khách hàng có nợ xấu thiếu hợp tác, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ không chịu bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý vì vậy các ngân hàng buộc phải xử lý nợ thông qua biện pháp tố tụng, dẫn đến việc thu hồi nợ mất nhiều thời gian để xử lý.
Ngoài ra, một số khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là các dự án đang dở dang có giá trị lớn, chưa hoàn thiện pháp lý. Công tác phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan còn nhiều khó khăn, trong việc tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản đảm bảo; đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở, thi hành án, việc giới hạn phạm vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá... Đồng thời, việc mua bán nợ xấu của tổ chức tín dụng cho các tổ chức, cá nhân chưa phát sinh nhiều do bên mua nợ còn e ngại thủ tục xử lý nợ trên thực tế gặp nhiều khó khăn.
Các chuyên gia tham dự Hội thảo |
Để không tạo khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu khi Nghị quyết 42 của Quốc hội hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, NHNN đã dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến. Theo đó, đã bổ sung thêm 1 chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, đối với nội dung của các quy định cụ thể, vẫn còn những ý kiến khác nhau. Ngoài ra, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn về việc một số nội dung của Nghị quyết 42 đã không được đưa vào dự thảo Luật TCTD như: xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, bán nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên, phân bổ lãi dự thu, quy định về áp dụng thủ tục xét xử rút gọn…
Đại diện cho Tổ chức Tài chính Thế giới (IFC), ông Darryl Dong - Cán bộ Quốc gia Cao cấp khuyến nghị cần Luật các TCTD sửa đổi cần mở rộng quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho các bên mua nợ xấu thông qua việc cho họ được thế quyền trong các quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ xấu. Hoặc ít nhất cho phép bên mua nợ xấu được ủy quyền cho bên bán nợ xấu (tức tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc VAMC) quản lý khoản nợ xấu, thu nợ, và nếu cần thiết, thu giữ tài sản bảo đảm hay phát mại thay mặt cho bên mua nợ xấu.
Về thứ tự thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo, nhiều chuyên gia và ngân hàng thương mại ủng hộ phương án ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ của tổ chức tín dụng trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. Tuy nhiên theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có một số ý kiến cho rằng việc quy định ưu tiên này tại dự thảo Luật vẫn chưa phù hợp với pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan.
Các đại biểu cũng đề cập việc ban hành một Thông tư liên tịch để quy định cụ thể về thời gian xử lý, xác minh, trả lời các văn bản của các cơ quan chức năng và hướng dẫn các cơ quan chức năng phối hợp để đẩy nhanh quá trình xử lý, giải quyết hồ sơ của các tổ chức tín dụng.