Chuyển đổi số trong tạo lập thị trường mua bán nợ tập trung tại Việt Nam
Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và hoạt động của các TCTD, ngày 27/6/2013, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thành lập theo Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN. Sau 10 năm đi vào hoạt động, VAMC đã không ngừng hoàn thiện, phát triển về cơ cấu tổ chức nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xử lý nợ xấu, từng bước khẳng định vị thế là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu cho nền kinh tế.
Hiện nợ xấu trong toàn hệ thống đang giảm dần nhờ sự đóng góp của VAMC cũng như hiệu ứng tích cực qua thời gian thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp mang tính tình huống, chưa thể giải quyết dứt điểm nguyên căn vấn đề và nợ xấu luôn là vấn đề liên tục hiện hữu của ngành Ngân hàng. Trước tình hình đó, cần có một giải pháp liên kết giữa các TCTD, các tổ chức, cá nhân mua bán nợ để tạo lập một thị trường mua bán nợ công khai, minh bạch, hoạt động hiệu quả nhằm xử lý triệt để nợ xấu.
Sàn giao dịch nợ VAMC làm việc với Công ty TNHH MTV mua bán nợ Welcome của Hàn Quốc trao đổi kinh nghiệm, hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường mua bán nợ tại Việt Nam |
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Lãnh đạo NHNN, VAMC đã nhanh chóng triển khai, phát triển hướng đi mới trong công tác xử lý nợ xấu nhằm giảm áp lực cho nền kinh tế. Trong đó, đề án thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC là một trong những cấu phần quan trọng của đề án “Cơ cấu lại và nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020 và hướng tới 2022”.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khẩn trương, ngày 15/10/2021, VAMC đã tổ chức lễ công bố đưa Sàn giao dịch nợ chính thức đi vào hoạt động. Với nhiệm vụ và trọng trách là trở thành trung tâm môi giới, tư vấn cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua, bán khoản nợ và tài sản bảo đảm của khoản nợ, việc thành lập và đi vào hoạt động của Sàn giao dịch nợ đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tạo lập một thị trường tập trung kết nối nợ xấu của các TCTD nhằm góp phần lành mạnh hóa tài chính cho doanh nghiệp, khơi thông “cục máu đông” cho nền kinh tế.
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Sàn giao dịch nợ - một mô hình chưa từng có tiền lệ trong hoạt động xử lý nợ của Việt Nam đã đạt được những kết quả ban đầu khá tích cực.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 180 khách hàng đăng ký thành viên, Sàn giao dịch nợ đã thực hiện ký hợp đồng nguyên tắc với nhiều TCTD và các đơn vị thành viên. Trên cơ sở các hợp đồng nguyên tắc và đề nghị của khách hàng, Sàn giao dịch nợ đã thực hiện đăng tải thông tin, niêm yết khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ trên website của Sàn với giá trị tổng dư nợ khoảng 38.000 tỷ đồng. Sàn đã thực hiện thành công các hợp đồng tư vấn với khách hàng với tổng giá trị khoản nợ, tài sản bảo đảm đạt gần 450 tỷ đồng và thu phí dịch vụ tư vấn từ khách hàng khoảng 700 triệu đồng.
Bên cạnh thực hiện nghiệp vụ môi giới, tư vấn, từ tháng 8/2022, Hội đồng thành viên VAMC đã phê duyệt chủ trương triển khai thực hiện thí điểm mua bán và xử lý các khoản nợ theo giá trị thị trường có giá trị nhỏ. Trên cơ sở đó, Sàn giao dịch nợ đã tích cực triển khai hoạt động mua bán nợ theo giá trị thị trường. Đến thời điểm hiện tại, Sàn giao dịch nợ đã thực hiện mua và xử lý từ TCTD một số khoản nợ theo giá trị thị trường, qua đó từng bước hoàn thiện mô hình hoạt động của Sàn.
Trong thời đại CMCN 4.0, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển các sản phẩm dịch vụ là yêu cầu cấp thiết. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, ngay từ khi chuẩn bị triển khai các hoạt động nghiệp vụ để chính thức đi vào hoạt động, Sàn giao dịch nợ đã xây dựng phần mềm quản lý. Website của Sàn dịch nợ VAMC: http://sangiaodichno.sbvamc.vn bao gồm các module về đăng ký thành viên; nghiệp vụ tư vấn; môi giới mua, bán khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Các module nghiệp vụ đã được thử nghiệm hoạt động tốt, ổn định và được Sàn giao dịch nợ đưa vào khai thác sử dụng kịp thời, hiệu quả
Hàng hoá đăng tải trên website rất đa dạng, phong phú như bất động sản, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, quyền chủ nợ... Lượng truy cập website của Sàn giao dịch nợ hiện đạt gần 1 triệu lượt; việc tra cứu từ khoá tìm kiếm thông tin về website của Sàn giao dịch nợ trên Google search luôn thuộc top được tìm kiếm nhiều nhất.
Không những thế, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng cũng như dần hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của mình, Sàn giao dịch nợ đã đầu tư, nghiên cứu, phát triển thêm các tính năng cho website. Theo đó, các thành viên được quyền chủ động trực tiếp đăng tải thông tin khoản nợ, tài sản bảo đảm chào bán lên website của Sàn giao dịch nợ bằng chính user thành viên đã được Sàn giao dịch nợ cung cấp. Với các tiện ích mới, trong đó có việc nâng cấp khả năng tìm kiếm hàng hoá trên website, khách hàng có thể dễ dàng khai thác và sử dụng các dịch vụ của Sàn giao dịch nợ, thuận tiện cho việc lựa chọn hàng hoá theo tiêu chí phù hợp với “khẩu vị” của từng khách hàng. Nhờ vậy đã tăng tốc độ xử lý, linh hoạt, đa dạng trong giao dịch của Sàn giao dịch nợ, giảm thiểu thời gian lãng phí đem lại hiệu quả trong hoạt động.
Ngoài các khách hàng, nhà đầu tư trong nước, hiện có rất nhiều khách hàng, đối tác nước ngoài như Công ty TNHH mua bán nợ OK, Công ty TNHH mua bán nợ Welcome, KAMCO… đã quan tâm, tìm hiểu, liên hệ và gửi thư mời hợp tác với Sàn giao dịch nợ để chia sẻ kinh nghiệm, định hướng hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường mua bán nợ tại Việt Nam thông qua Sàn giao dịch nợ.
Chuyển đổi số mạnh mẽ, hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu
Có thể khẳng định, đây là những kết quả bước đầu rất ấn tượng trong việc tạo lập thị trường tập trung, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư quan tâm đến việc mua bán, xử lý nợ gặp gỡ với các bên có nhu cầu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Trong thời gian tới, Sàn giao dịch nợ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiệp vụ môi giới, tư vấn, mua bán nợ theo giá trị thị trường, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp phần mềm quản lý, website theo định hướng đã được Ban lãnh đạo VAMC phê duyệt theo hướng chủ động và trực tuyến, đem lại sự thuận tiện, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho khách hàng; đồng thời tiếp tục áp dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ của Sàn giao dịch nợ theo định hướng của Chính phủ và NHNN. Bên cạnh đó, Sàn giao dịch nợ sẽ tiếp tục triển khai, hợp tác với các đơn vị có tiềm năng trong lĩnh vực mua, bán và xử lý nợ để đẩy mạnh thực hiện nghiệp vụ môi giới, tư vấn, nhằm hỗ trợ TCTD xử lý dứt điểm nợ xấu.
Những kết quả ban đầu nói trên là tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, là một mô hình mới, chưa có tiền lệ nên hoạt động của Sàn giao dịch nợ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là việc thu hút các chủ thể tham gia giao dịch trên Sàn. Để đạt được những kết quả như kỳ vọng của Ban lãnh đạo VAMC và Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh sự tập trung, nỗ lực của Sàn giao dịch nợ, cần phải có những chính sách, quy định cụ thể để khuyến khích, thu hút nhiều đối tượng tham gia mua bán nợ xấu, những nhà đầu tư - những người thực sự có tiềm lực về tài chính cũng như sự hiểu biết về thị trường mua bán nợ xấu. Từ đó giúp các TCTD đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, dần hình thành một thị trường mua bán nợ tập trung, công khai và minh bạch.