Nhật Bản: Còn dư địa để nới lỏng tiền tệ
Ảnh minh họa |
Theo ông Yoshihide Suga, NHTW nước này (BoJ) nên tiếp tục các nỗ lực để đạt được mục tiêu lạm phát 2% đặt ra mà không cần phải thay đổi luật pháp để tăng cường kiểm soát đối với BoJ như nhiều nhà lập pháp đề xuất gần đây. Với nỗ lực thoát khỏi tình trạng giảm phát đã đeo đẳng kinh tế Nhật Bản trong nhiều năm qua, CSTT của BoJ trong gần 3 năm qua luôn đi theo hướng nới lỏng. BoJ hiện nắm giữ nhiều nợ quốc gia nhiều hơn bất kỳ NĐT nào khác.
Vào thứ 6 tuần trước, BoJ đã quyết định mở rộng quy mô chương trình mua tài sản nhằm thúc đẩy hơn nữa chính sách nới lỏng tiền tệ, qua đó duy trì sự phục hồi kinh tế của nước này.
Theo đó, ngoài chương trình mua tài sản trị giá khoảng 3.000 tỷ Yen mỗi năm như hiện nay, BoJ sẽ xây dựng một chương trình mới nhằm tăng quy mô quỹ mua tài sản (trong đó có cổ phiếu và trái phiếu) thêm khoảng 300 tỷ Yen (2,5 tỷ USD) mỗi năm. Chương trình này dự kiến sẽ được triển khai từ tháng 4/2016. Đồng thời để hạ lãi suất dài hạn giúp các công ty tăng nguồn dự trữ, từ năm tới, BoJ cũng sẽ tăng thời hạn trái phiếu chính phủ lên 7-12 năm so với kỳ hạn 7-10 năm hiện nay.
Đồng thời, tiếp tục duy trì chính sách tăng lượng cung tiền khoảng 80.000 tỷ Yen/năm thông qua chương trình mua tài sản. Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda cũng khẳng định, các biện pháp mới cho phép BoJ có thể điều chỉnh trong trường hợp cần thiết để sớm giúp kinh tế Nhật Bản đạt được mục tiêu lạm phát 2% đề ra.
Những tín hiệu này cho thấy, BoJ đang ủng hộ các ưu tiên phục hồi tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Nhật Bản. "Chính phủ Nhật Bản đang theo đuổi cải cách thuế DN, cải cách đầu tư và tăng mức lương tối thiểu. Những động thái vừa qua của BoJ cho thấy, NHTW nhìn nhận các chính sách trên của Chính phủ là phù hợp và đang nỗ lực hỗ trợ” – ông Suga nêu quan điểm.
Chính sách kinh tế Abenomics do Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng trên cơ sở phối hợp kích thích tài khóa và nới lỏng tiền tệ đã giúp thúc đẩy tăng lợi nhuận của các DN và các chỉ số chứng khoán tăng điểm. Tuy nhiên, dù có nhiều biện pháp cụ thể đã được đưa ra nhưng các DN Nhật Bản vẫn chưa sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn và tiền lương tối thiểu vẫn chưa tăng ở mức đủ cần thiết để xua đi bóng ma giảm phát đối với nền kinh tế này.
Kinh tế Nhật Bản đã tránh được suy thoái khi GDP ghi nhận mức tăng 1% trong quý III vừa qua. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ ở mức khiêm tốn trong quý IV do tiêu dùng cá nhân tăng chậm và lo ngại tác động từ nền kinh tế Trung Quốc - một trong những đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Nhật Bản – đang giảm tốc.