Nhật Bản sắp có gói kích thích khẩn cấp gần 1 nghìn tỷ đô la đối phó khủng hoảng do Covid-19
Abe sẽ thông báo tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo và sáu tỉnh khác, kéo dài trong khoảng thời gian một tháng, sau khi vào sáng sớm ngày thứ Ba ông đã nhận được sự đồng thuận bởi một nhóm chuyên gia.
Nội các của ông theo đó sẽ hoàn tất gói kích thích khổng lồ trị giá 108 nghìn tỷ yên (tương đương 990 tỷ USD) - bằng 20% GDP của Nhật Bản - để giảm bớt tác động nặng nề của đại dịch đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Tính theo tỷ lệ so với GDP, gói kích thích của Nhật Bản như vậy đã cao hơn so với gói 11% GDP của Mỹ và gói 5% GDP của Đức.
Abe cho biết chi tiêu tài khóa trực tiếp sẽ lên tới 39 nghìn tỷ yên, nhiều gấp đôi số tiền Nhật Bản đã chi ra sau vụ sụp đổ năm 2008 của ngân hàng Lehman Brothers, sự kiện châm ngòi cho khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau đó.
"Gói kích thích này sẽ là một trong những gói lớn nhất trên thế giới," Abe nói trước các nhà lập pháp của đảng cầm quyền và đảng đối lập, nhấn mạnh thêm rằng ưu tiên của chính phủ là bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân.
"Chúng tôi quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì dự đoán rằng sự lây lan nhanh chóng của virus corona trên toàn quốc sẽ có tác động rất lớn đến cuộc sống người dân và nền kinh tế," ông nói trước quốc hội.
So với các điểm nóng khác trên toàn cầu, Nhật Bản đã kiểm soát khá tốt sự bùng phát của dịch do virus corona, nhưng gần đây đã xuất hiện sự gia tăng số ca lây nhiễm tại Tokyo, Osaka và một số khu vực khác - lý do đã dẫn đến việc Abe phải thông báo tình trạng khẩn cấp như nêu trên.
Số ca lây nhiễm virus corona tại Tokyo đã nhân đôi lên 1.116 trường hợp chỉ trong tuần qua - số lượng cao nhất so với các địa phương trên cả nước. Trên phạm vi toàn quốc, các trường hợp nhiễm virus corona đã vượt quá 4.000 ca với 93 người chết, tính đến thứ Hai.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép thống đốc các tỉnh, thành phố có được thẩm quyền kêu gọi mọi người ở nhà và yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa. Không có hình phạt nào cho việc không tuân theo các yêu cầu nêu trên, việc thực thi của người dân và doanh nghiệp chỉ dựa trên sự tôn trọng chính quyền.
Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cho biết thành phố đang đàm phán với chính quyền trung ương để quyết định loại hình kinh doanh nào sẽ bị yêu cầu đóng cửa hoặc cắt giảm giờ làm việc, trong khi nhắc lại sẽ không có hạn chế nào trong việc kinh doanh, mua sắm hàng tiêu dùng và thuốc.
Chính phủ cũng sẽ không yêu cầu các công ty đường sắt giảm số lượng đôi tàu đang hoạt động, Abe nói.
Các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác như thư tín và tiện ích công sẽ vẫn được duy trì hoạt động, cũng như ATM và dịch vụ ngân hàng, đài truyền hình NHK cho biết.
Nhưng, những hạn chế sẽ gia tăng ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn bị coi là đang suy thoái do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và cấm đi lại làm giảm sản lượng của các nhà máy và thu hẹp tiêu dùng.
Để giảm bớt tác động bất lợi, gói kích thích của chính phủ sẽ bao gồm hơn 6 nghìn tỷ yên thanh toán bằng tiền mặt cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ; 26 nghìn tỷ yên chi trả tiền bảo hiểm xã hội và thuế...
Nhật Bản sẽ bán một lượng kỷ lục trái phiếu bổ sung trị giá hơn 18 nghìn tỷ yên để tài trợ cho gói khẩn cấp này, và khoản này sẽ được cộng thêm vào khối nợ quốc gia khổng lồ hiện đã gấp đôi quy mô nền kinh tế.
Trong khi gói kích thích có thể giảm bớt thiệt hại ngay lập tức từ đại dịch, các nhà lập pháp thậm chí còn kêu gọi chi tiêu lớn hơn để ngăn chặn việc các doanh nghiệp phá sản và người lao động mất việc làm.
Các nhà phân tích dự đoán nền kinh tế, vốn đã suy giảm trong quý cuối cùng của năm ngoái, sẽ chậm lại thêm hai quý nữa, gây thêm áp lực lên chính phủ và ngân hàng trung ương và đòi hỏi họ cần hành động nhiều hơn nữa.
"Nền kinh tế Nhật Bản có thể sẽ suy giảm tới hai chữ số trong quý này. Thiệt hại từ sự bùng phát của dịch bệnh có thể kéo dài sang cả quý III," Takahide Kiuchi, cựu thành viên hội đồng quản trị ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), nói.
"Chính phủ có thể sẽ phải lập một ngân sách bổ sung khác trong khoảng thời gian ngắn tới đây để tiếp tục kích thích nền kinh tế, với quy mô thậm chí lớn hơn," theo Kiuchi, hiện là một nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Nomura.