Nhiều giải pháp kiểm soát dòng chảy tín dụng
Để dòng tín dụng chảy đúng hướng | |
Phía sau những dòng tin tín dụng |
TS. Nguyễn Quốc Hùng |
Năm 2018, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) 17%, thấp hơn so với con số 18,17% đạt được trong năm 2017. Cơ sở nào NHNN đưa ra mục tiêu trên và định hướng điều hành tín dụng năm 2018 ra sao để hỗ trợ DN và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế TS. Nguyễn Quốc Hùng.
Ông có thể cho biết số liệu TTTD đến thời điểm này?
Đến thời điểm này, TTTD toàn hệ thống đạt hơn 1%. Đây cũng là mức tăng trưởng vừa phải, không có đột biến. Những năm trước, có năm tín dụng tăng đột biến tháng đầu năm là do dư địa tín dụng từ năm trước bị dồn hết vào đầu năm sau. Nhưng năm nay không diễn ra như vậy. Điều đó chứng tỏ các TCTD hoàn thành đúng chỉ tiêu được NHNN giao và đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong năm mà không phải để dành cho năm sau. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với TTTD của toàn Ngành.
Vì sao năm nay NHNN đặt mục tiêu TTTD thấp hơn 2017, thưa ông?
Năm 2018, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-6,7%, lạm phát bình quân khoảng 4% mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra và đánh giá thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2018 khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Trước mắt, NHNN chỉ giao chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD ở mức độ vừa phải khoảng 13-15% tùy khả năng từng TCTD, làm sao để tín dụng không tăng đột biến mà tăng đều các tháng trong năm, quan trọng hơn cả là đảm bảo đối tượng đầu tư phục vụ cho sản xuất tạo sản phẩm cho xã hội. Tôi cũng kỳ vọng năm nay, TTTD vẫn đảm bảo yêu cầu, không chỉ về mặt con số mà quan trọng nhất là dòng vốn tín dụng đầu tư đúng đối tượng, đúng lĩnh vực ưu tiên, tạo thêm nhiều công ăn việc làm nhất là ở khối DNNVV.
Từ 2018, Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ được triển khai. Hiện tại, NHNN đang đợi Chính phủ ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn để làm sao Luật Hỗ trợ đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất tạo điều kiện cho DNNVV có sức bật để phát triển. Bên cạnh đó, các lĩnh vực ưu tiên khác như nông nghiệp, nông thôn, công nghệ cao, xuất khẩu… vẫn tiếp tục là địa chỉ quan trọng để dòng chảy tín dụng hướng tới.
Ở đây tôi cũng thông tin thêm, trong năm nay Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn cũng sẽ được sửa đổi về những điều kiện thủ tục còn vướng mắc. Theo đó, cơ hội tiếp cận vốn của các đối tượng khách hàng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định này chắc chắn sẽ được gia tăng góp phần thúc đẩy TTTD đạt mục tiêu đề ra.
NHNN sẽ tiếp tục định hướng dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực sản xuất |
Đầu năm NHNN giao chỉ tiêu TTTD cho các TCTD ở mức thấp hơn so với định hướng chung, vì sao vậy thưa ông?
Cũng như năm ngoái, năm 2018, NHNN tính toán cẩn thận lượng tiền ra - vào trên cả M1 và M2… để đưa ra chỉ tiêu TTTD, đảm bảo mục tiêu xuyên suốt trong điều hành của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Năm 2017, NHNN đã rất kiên định trong điều hành tín dụng, mở rộng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn, hiệu quả. Do vậy, tuy tín dụng trong năm 2017 tăng hơn 18% nhưng đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch đề ra, đạt 6,81%.
Năm nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức tương đương năm ngoái nên NHNN tiếp tục điều hành tín dụng như năm qua, trừ khi có đột biến nào đó xảy ra. Quả thực, muốn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đồng thời có được tăng trưởng cao cực kỳ khó. Do vậy, năm ngoái 2017 TTTD đạt hơn 18% là một thành công rất lớn, vừa đủ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vừa đỡ tạo áp lực cho điều hành chính sách trong năm 2018.
Với kinh nghiệm trong điều hành CSTT, ngay từ đầu năm 2018, NHNN xác định rất rõ chủ trương định hướng TTTD để các TCTD triển khai. Tại Chỉ thị 01 của Thống đốc ban hành đã gộp tất cả những vấn đề (trong đó có yêu cầu đối với TTTD – PV) mà ngành NH cần phải triển khai thực hiện.
Theo đó, kịch bản đã được cơ quan quản lý xây dựng đầy đủ tới từng đơn vị tổ chức thực hiện là các TCTD, với những quy định rất cụ thể như thực hiện thế nào và vai trò bộ phận tham mưu cho Thống đốc triển khai làm sao. Trong quá trình tổ chức thực hiện, tùy tình hình nếu thấy cần thiết chúng tôi sẽ linh hoạt điều chỉnh sao cho phù hợp để đảm bảo đạt mục tiêu chung mà Chính phủ cũng như Chỉ thị của Thống đốc đề ra.
Tinh thần chung của NHNN như tôi trao đổi ở trên là tiếp tục định hướng dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực sản xuất. Đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro sẽ được kiểm soát chặt chẽ, nếu TCTD nào tập trung cho vay vượt quy định, với trách nhiệm tham mưu rà soát, trong quá trình quản lý, Vụ Tín dụng sẽ thực hiện cảnh báo các TCTD. Nếu đơn vị nào đó không thực hiện, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH sẽ vào cuộc…
Tôi cho rằng dù bạn là ai, kinh doanh ở ngành nào, lĩnh vực nào, làm gì cũng phải tuân thủ theo pháp luật. Cụ thể ở đây, NH cho vay theo cơ chế thị trường nhưng phải theo định hướng cơ quan quản lý là NHNN đưa ra để đảm bảo đạt được mục tiêu lớn nhất mà Chính phủ giao cho NHNN là kiểm soát tầm vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
NHNN có biện pháp gì để giữ dòng vốn chảy đúng hướng?
Chắc chắn NHNN sẽ có nhiều giải pháp để kiểm soát được dòng chảy tín dụng dưới nhiều hình thức. Đơn cử, có thể NHNN giám sát từ xa thông qua số liệu báo cáo hàng ngày của các TCTD. Sau khi rà soát TCTD nào có dấu hiệu vượt khung sẽ bị tuýt còi cảnh báo ngay. Hoặc qua các chỉ số an toàn hoạt động của các NH… Quan điểm của NHNN khi phân bổ chỉ tiêu tín dụng là căn cứ vào nguồn vốn huy động, tiềm lực tài chính, hệ số an toàn vốn… NH muốn cho vay nhiều mà không đủ nguồn huy động, không đảm bảo các chỉ số an toàn... thì NHNN sẽ cảnh báo ngay.
Nói như vậy, không có nghĩa là NHNN không cho phép các TCTD cho vay vào các lĩnh vực như bất động sản, BT, BOT. Những dự án nào hiệu quả, phương án kinh doanh khả thi vẫn được các TCTD cho vay vốn. Ở đây với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN phải đưa ra cảnh báo sớm để ngăn chặn rủi ro cho các TCTD nói riêng, toàn hệ thống nói chung. Quan điểm của NHNN là tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận tín dụng nhưng không lơ là kiểm soát rủi ro.
Xin cảm ơn ông!
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. NHNN xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát TTTD theo chỉ tiêu định hướng cả năm 2018, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đi đôi với an toàn hoạt động. Thực hiện kiểm soát nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế... |