Phía sau những dòng tin tín dụng
CIC: Giảm giá dịch vụ thông tin tín dụng, hỗ trợ các tổ chức tín dụng | |
TTTTTD Quốc gia Việt Nam: Trọng tâm là quản trị rủi ro tín dụng | |
Từ hôm nay (15/1), CIC giảm giá 12% tất cả các sản phẩm |
Gia nhập “binh chủng” Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) từ những ngày đầu thành lập, anh Trương Hùng Lân, Trưởng phòng Hỗ trợ khách hàng hiểu rất rõ vai trò của cơ quan mình.
Cứ thử nghĩ xem, anh chia sẻ, một khách hàng có thể vay vốn của nhiều ngân hàng khác nhau, rồi DN cũng thế, họ có thể sử dụng vốn đó cho những mục đích khác nhau... Nếu không có cơ chế kiểm soát tốt thì chỉ cần một khoản nợ xấu tại một ngân hàng thôi cũng sẽ kéo theo vô vàn hệ lụy, nào là nợ xấu, ngân hàng mất vốn... Mà hệ thống thông tin nội bộ riêng của một ngân hàng làm sao kiểm soát hết thông tin vay, trả nợ của khách hàng được! Cho nên, đây chính là lý do để CIC ra đời.
Là đơn vị trực thuộc NHNN Việt Nam, CIC cũng là một cơ quan nhà nước độc lập có chức năng thu thập các báo cáo tín dụng của các tổ chức, cá nhân vay, gửi tiền một cách khách quan nhất, từ đó cung cấp “ngược” cho TCTD các báo cáo tín dụng về khách hàng vay. Thông qua các báo cáo này, các TCTD có thể biết khách hàng đã và đang có dư nợ tại bao nhiêu TCTD, tình trạng tín dụng tốt hay xấu, tài sản đã sử dụng trong đảm bảo tiền vay…
* * *
Chỉ cần nhìn con số hơn 43.000 lượt yêu cầu hỗ trợ khách hàng trong năm 2017 mới thấy áp lực mà các anh phải xử lý hàng ngày không hề nhỏ. Áp lực ấy đến từ rất nhiều phía, đơn giản nhất là sự bất đồng trong ngôn ngữ, bởi không ít vùng miền có cách phát âm, ngữ điệu khác nhau, khiến nhiều cán bộ mới khá lúng túng, phải trao đổi qua lại nhiều lần mới xác định được nội dung yêu cầu. Phần lớn người thắc mắc, khiếu nại, phản ánh thường có thái độ rất bức xúc, không kiềm chế, thậm chí dùng nhiều ngôn ngữ tục tĩu, mắng mỏ, nạt nộ khó nghe qua điện thoại khi phát hiện thông tin về bản thân không đúng, đặt ra nhiều yêu sách, đòi hỏi thiếu căn cứ với thái độ không hợp tác… Một số người lại cố tình cung cấp thông tin sai trái, hay trịnh thượng, tự giới thiệu là người nhà cán bộ nọ kia để dọa nạt, gây áp lực phải thay đổi hoặc ngừng cung cấp thông tin nợ xấu…
Điển hình như, ở một làng tại Sơn Tây, Hà Nội có 2 anh em họ nhưng cùng họ tên, trùng luôn số chứng minh nhân dân. Trong khi người em có nợ quá hạn tại ngân hàng đã lâu, người anh thì chưa vay vốn ở đâu. Đến khi người anh có nhu cầu vay vốn, TCTD hỏi tin CIC và người anh được cung cấp thông tin về khoản nợ xấu mới tá hỏa tức tốc gọi điện cho CIC để thắc mắc. Sau khi phối hợp với phòng nghiệp vụ kiểm tra lại thông tin do khách hàng cung cấp và thông tin đang lưu giữ tại CIC, cán bộ hỗ trợ khách hàng phát hiện sự trùng lặp nhưng hai người khác ngày sinh, nên đã đề nghị phòng nghiệp vụ bóc tách dữ liệu hai người với hai mã CIC khác nhau và không quên đề nghị người anh thay đổi sang thẻ căn cước để tránh trùng lặp…
Thế nhưng, phức tạp và dai dẳng nhất phải nói đến các trường hợp khách hàng vay vốn tại nhiều TCTD, khi để quá hạn, phát sinh nợ xấu tại một TCTD thì các TCTD khác phân loại nợ xấu theo, gây áp lực rất lớn đến khả năng trả nợ và phát sinh thắc mắc khiếu nại. Một số trường hợp do khách hàng chưa nắm được quy định nên cương quyết buộc TCTD phân loại nợ kéo theo và CIC phải gỡ bỏ thông tin nợ xấu, vì lý do họ không để quá hạn. Những trường hợp “oan ức” nhất là khi khoản vay quá hạn có giá trị nhỏ bị nợ xấu gây ảnh hưởng đến khoản vay trong hạn có giá trị lớn, vì kể cả khi đã thanh toán đầy đủ, được chuyển về nợ đủ tiêu chuẩn thì lịch sử nợ xấu vẫn được CIC cung cấp trong thời gian 5 năm sau đó.
Cũng có trường hợp là do lỗi tại TCTD, mặc dù khách hàng chỉ để quá hạn 10 ngày, bị chuyển nợ cần chú ý, TCTD khác phân loại nợ kéo theo, dù khách hàng đã tất toán khoản nợ quá hạn nhưng các TCTD còn lại không đánh giá lại khách hàng và tra cứu thông tin CIC nên vẫn giữ nguyên kết quả phân loại nợ cũ trong các kỳ tiếp theo, khiến khách hàng bức xúc…
Bên cạnh những trường hợp thắc mắc đúng người, đúng việc, cũng có không ít trường hợp lợi dụng khiếu nại để che giấu thông tin. Điển hình là trường hợp một khách hàng ở TP.HCM sử dụng nhiều chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân và hộ chiếu, khai theo nhiều địa chỉ để vay vốn tại nhiều TCTD. Qua 3 lần trót lọt nhưng sau đó liên tục bị các TCTD có liên quan yêu cầu giải trình về khả năng trả nợ.
Tưởng rằng việc sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân và khai theo nhiều địa chỉ khác nhau thì dễ dàng che giấu thông tin nên người này đến CIC làm ầm ĩ, quát nạt, dọa dẫm khởi kiện CIC vì cung cấp thông tin sai sự thật. Tuy nhiên sau khi rà soát dữ liệu thông tin định danh do các TCTD cung cấp như họ tên, ngày sinh, quê quán và các đặc điểm nhận dạng trên các giấy tờ cá nhân do TCTD cung cấp, bộ phận nghiệp vụ CIC có đủ cơ sở để xác định đây là một khách hàng, theo đó cán bộ hỗ trợ khách hàng đã giải thích, làm rõ cho khách hàng biết. Khi đó, người khiếu nại mới dịu giọng xin lỗi rằng do khoản vay đã lâu nên… không nhớ.
Đặc biệt, một số trường hợp đứng tên vay hộ người thân từ lâu, rồi đi làm ăn xa không nhớ trả nợ ngân hàng; hoặc khách hàng mở nhiều thẻ tín dụng theo các chương trình ưu đãi, lâu ngày không sử dụng hoặc rút ít tiền mặt tiêu vặt rồi quên... đến khi có nhu cầu vay vốn mới phát hiện có nợ xấu tại TCTD và thắc mắc đến CIC trình bày lý do, hoàn cảnh. Cũng may, đối với những khoản nợ xấu có giá trị nhỏ dưới 10 triệu đồng, Ban Tổng giám đốc CIC đã có chủ trương ngừng cung cấp thông tin nếu khoản nợ đã tất toán, theo đó cán bộ hỗ trợ khách hàng hướng dẫn khách hàng sớm trả nợ dứt điểm trước khi lập hồ sơ vay vốn mới. Một số cán bộ TCTD cũng gọi điện cảm ơn CIC vì nhờ chính sách này mà nhiều khoản nợ nhỏ lẻ, tồn đọng từ lâu đã được thu hồi…
* * *
Với mọi trường hợp khiếu nại, việc đầu tiên của cán bộ phòng khách hàng CIC phải làm là lắng nghe, nắm bắt nội dung khiếu nại, tìm hướng trả lời khách hàng. Nhiều bạn nghe điện thoại liên tục rồi cũng thành quen, đến nỗi chồng gọi điện vào điện thoại di động cũng trả lời “Dạ, Phòng Hỗ trợ khách hàng CIC xin nghe ạ!” khiến hai bên đều ớ người, lặng đi một lúc, rồi mới cùng phá lên cười. Cũng may, anh chồng làm ở NHTM nên hiểu được công việc của vợ, thấy vợ chăm chỉ, yêu công việc cũng yên tâm, tin tưởng.
Lại có bạn vừa về Phòng Hỗ trợ khách hàng CIC, lần đầu nghe điện thoại đã gặp ngay “ca khó”. Khách hàng vay là “dân xã hội”, bị ngân hàng từ chối cho vay vì đang có khoản nợ xấu từ nhiều năm trước chưa thanh toán, nên gọi điện đến CIC với thái độ gay gắt, dọa nạt khiến cô gái trẻ lần đầu nghe điện thoại khá lúng túng, phải nhờ các anh chị khác tiếp nhận, trả lời giúp…
Tôi chợt nhận ra phía sau những dòng “tin tín dụng” đơn thuần mà CIC đang cung cấp hàng ngày là cả thế giới vô cùng sinh động. Đó có thể là nỗi niềm của người dân khi lần đầu tiếp xúc với những khái niệm “tiêu cực”, “nợ xấu”; là những áp lực trong công việc của cán bộ tín dụng cần sớm thông tin để xem xét giải ngân khoản vay trong ngày, khi khách hàng vay và quy trình cấp tín dụng đòi hỏi; là những “oan ức” của khách hàng vay khi TCTD nhập nhầm dữ liệu số chứng minh nhân dân của người khác… Thế nhưng trên hết, tôi chợt hiểu vai trò của “binh chủng” đặc biệt CIC. Chỉ cần vài dòng tin tín dụng sai lệch là hàng tỷ đồng của ngân hàng đứng trước rủi ro nợ xấu…
Và tôi chợt hiểu, sự thận trọng, tỉ mẩn trong những dòng tin tín dụng là để đảm bảo cho nền kinh tế vận hành thông suốt, êm ái, cho hệ thống ngân hàng hoạt động ngày càng lành mạnh hơn. Có thể câu nói “Dạ, Phòng Hỗ trợ khách hàng CIC xin nghe ạ!” sẽ tiếp tục vang lên trong máy của những người thân của cán bộ CIC, thì hãy hiểu rằng họ đang hết mình cho những dòng tin tín dụng…