Nhiều kiến nghị giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp khi nhu cầu tiêu dùng giảm
Theo kết quả khảo sát của Huba, hiện có 50% doanh nghiệp khó khăn vì “Thiếu các đơn hàng mới”, 29% doanh nghiệp khó khăn vì “Giá nguyên liệu đầu vào tăng”; 64% doanh nghiệp khó khăn vì “Nhu cầu tiêu dùng suy giảm”; 16% doanh nghiệp khó khăn vì “Thiếu vốn kinh doanh”; 2% doanh nghiệp khó khăn vì “Thiếu mặt bằng sản xuất-kinh doanh”; 30% doanh nghiệp khó khăn vì “Thuế, phí và các khoản nộp ngân sách cao”.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Huba) đưa ra nhiều kiến nghị giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp khi đối mặt với nhu cầu tiêu dùng giảm |
Lãnh đạo Huba cho rằng các khó khăn về vốn, ngân sách nay hầu hết đã được giải quyết vì khi không có đơn hàng thì doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn, mặc dù lãi suất vay đã giảm đáng kể so với thời gian trước. Tuy nhiên, các áp lực về nghĩa vụ thuế, phí, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn… vẫn được cho là cao trên sức chịu đựng của khá nhiều doanh nghiệp.
Theo Huba, trong lĩnh vực sản xuất dệt may bắt đầu có đơn hàng trở lại cho tới cuối năm do những nỗ lực tìm kiếm thị trường mới và chuyển đổi số, chuyển dịch xanh, chào mời giá cạnh tranh… Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5 năm 2024 ước tính tăng 2,0% so với tháng trước, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho cao so với cùng kỳ như: sản phẩm đồ uống, cơ khi, thiết bị điện, giấy… Đây là chỉ số báo hiệu xu hướng suy giảm tổng cầu trong các tháng tiếp theo.
Lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng từ đầu năm đến nay nhiều đại lý chưa lấy đơn hàng mới, do sức mua giảm và các công trình xây dựng dân dụng chưa hồi sinh. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thiếu dòng tiền, mất khả năng trả nợ. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nguồn nguyên liệu có giá thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp trong nước, tạo nên sản phẩm có giá thành thấp nên doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh. Cụ thể, ngành thép, vật liệu kết cấu và xây dựng, đa số vẫn khó khăn, thậm chí một số đơn vị giảm doanh số tới 70%, khá nhiều đơn vị không có đơn hàng nên chỉ có thể duy trì sản xuất cách nhật 50/50. Đánh giá tình hình tài chính chung của ngành là dòng tiền hạn hẹp, không có tiền trả nợ vay và cũng không thể đòi được tiền nợ của khách hàng.
Doanh nghiệp ngành thủy sản trong nổ lực tìm hiểu nhu cầu thị trường Singapore |
Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành bất động sản, mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ rất đáng kể của Nhà nước, vẫn tiếp tục chu ký khó khăn hơn các ngành khác, do các sai lầm đầu tư cùa thời gian trước với vốn vay lớn, thiếu dòng tiền và gánh chịu lãi vay cao…
Cũng vậy, lĩnh vực thương mại, bán lẻ và sự kiện ghi nhận sức mua suy giảm đáng kể, có một số ngành hàng giảm tới 50%-60% và dự báo tiếp tục giảm 10% trong các tháng tới. Trong khi đó, các sự kiện vừa qua không tổ chức được thường xuyên, giá trị thấp và bị thắt chặt do các quy định về quyền tác giả, tác phẩm và phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nay khó tuyển lao động thời vụ vì những qui định chặt chẽ của bảo hiểm xã hội và thuế. Không những thế, lực lượng lao động trẻ hiện nay có xu hướng lựa chọn công việc chạy xe công nghệ, giao hàng, dịch vụ với tiêu chí linh động về thời gian, ít bị kiểm soát và không muốn gắn bó lâu dài.
Trên cơ sở tình hình trên, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị thành phố nhanh chóng giải quyết các vấn đề cơ bản “hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất” với 45%, đẩy mạnh kích cầu tiêu đầu tư và tiêu dung chiếm 63%, doanh nghiệp yêu cầu “giảm các loại thuế, phí, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn” cũng chiếm 63%,
Theo đại diện Huba, trong hoạt động kinh doanh, vốn luôn là điều kiện đầu tiên mà doanh nghiệp cần đảm bảo. Tuy nhiên, với hậu quả của hàng loạt khó khăn dồn dập thời gian qua, hầu hết doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiên. Đặc biệt, các doanh nghiệp bất động sản đang đối diện với khối nợ trái phiếu khổng lồ lên đến 350.876 tỷ đồng đã phát hành, trong đó ước tính giá trị cần xử lý năm 2024 là 99,7 nghìn tỷ.
Doanh nghiệp đang thiếu tiền để trả nợ các khoản nợ gốc trước đây và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tiếp theo. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xử lý triệt để các khó khăn của thị trường như vấn đề cạn kiệt vốn đấu tư và suy giảm cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bât động sản; quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).
Đại diện Huba cũng thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Kiến nghị khi 3 luật sửa đổi liên quan đến thị trường bất động sản gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai có hiệu lực, thành phố nhanh chóng triển khai, tạo điều kiện cho thị trường hồi phục nhanh chóng, tháo gỡ các ách tắc, giải phóng sức sản xuất và tạo việc làm cho doanh nghiệp. Đồng thời, thực thi Nghị quyết số 98/2023/QH15, ban hành các cơ chế đặc thù, các chính sách mới, có tính đột phá nhằm đáp ứng nhu cấu phát triển của người dân và doanh nghiệp...
"Thành phố cần giải quyết dứt điểm các công trình, dự án dở dang đã có đủ điều kiện đầu tư, mở bán; các công trình đã hoàn thành trên 70% tiến độ. Việc xử lý công trình dở dang ngoài việc giúp nhà đầu tư nhanh chóng thu hồi vốn còn góp phần chỉnh trang đô thị, giúp thành phố khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Thành phố cần nhanh chóng qui hoạch, có chính sách ưu tiên xây dựng các dự án phát triển khu dân cư, xây dựng các khu nhà ở công nhân, nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp, nhà ở xã hội...", lãnh đạo Huba kiến nghị.