Ngân hàng hỗ trợ khách hàng nuôi tôm bị thiệt hại ở Phú Yên
Khoảng cuối tháng 5/2024, hàng trăm hộ nuôi tôm hùm, cá, hải sản các loại… tại khu vực ven đầm Cù Mông thuộc địa bàn các thôn Phú Dương và Vịnh Hòa của xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) bỗng trở nên điêu đứng do hiện tượng hải sản chết hàng loạt.
Trong đó, có thể kể đến trường hợp ông Lê Văn Cư ở xã Xuân Thịnh thả nuôi hơn 7.000 con tôm hùm xanh. Khi tôm đã được gần 7 tháng, trọng lượng khoảng 0,25-0,3kg/con, đang phát triển bình thường bỗng dưng bắt đầu chết từ ngày 18/5/2024. Sau đó, tất cả tôm nuôi của gia đình đã chết hết không còn một con.
Tương tự là trường hợp của bà Châu Thanh Thiên Lý cũng ở xã Xuân Thịnh. Bà Lý cho biết, gia đình nuôi hơn 100 lồng tôm hùm xanh, mỗi lồng khoảng 150 đến 200 con, sau đó tôm chết không còn con nào. Tôm từ 0,3kg/con trở lên chết, còn tươi thì bán được 350.000 đến 400.000 đồng/kg, còn lại bị ươn thì dưới 100.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ bán được 10.000 đồng/kg...
Điều đáng nói, không chỉ tôm hùm mà nhiều loại cá biển nuôi lồng bè và tôm, cá tự nhiên ở khu vực đầm Cù Mông cũng bỗng dưng chết. Theo thống kê của cơ quan chức năng địa phương, chỉ trong vòng một tuần, hơn 67 tấn tôm hùm, 62 tấn cá biển của 281 hộ nuôi của một số địa bàn tại thị xã Sông Cầu bị chết, ước thiệt hại hơn 38 tỷ đồng…
Nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm, cá chế hàng loạt ở thị xã Sông Cầu trong thời gian qua do mật độ lồng nuôi quá dày, môi trường nuôi xấu kết hợp với diễn biến thời tiết phức tạp. |
Ngay sau sự việc hải sản của bà con chết hàng loạt, UBND thị xã Sông Cầu đã có công văn khẩn chỉ đạo, yêu cầu các địa phương kiểm tra, thống kê số hộ, số lượng tôm, cá bị chết báo cáo nhanh cho thị xã; đồng thời, hướng dẫn hộ nuôi thu hoạch sớm số lượng tôm cá đã đủ kích cỡ thu hoạch xuất bán; bên cạnh đó có biện pháp thu gom xử lý số lượng tôm cá chết, không để ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, qua khảo sát thực tế, cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm, cá chế hàng loạt ở thị xã Sông Cầu trong thời gian qua do mật độ lồng nuôi quá dày, môi trường nuôi xấu kết hợp với diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng oi bức, xuất hiện mưa giông đã làm nước bị phân tầng, tăng áp suất tầng đáy, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ, làm tiêu hao hàm lượng ô xy hòa tan trong nước, nhất là trong khoảng thời gian từ 0 - 3 h sáng.
Ngoài ra, còn do hàm lượng một số loại khí độc từ đáy đầm tăng đột ngột vượt ngưỡng (nước tại vùng nuôi có mùi thối nặng) cũng gây hiện tượng tôm cá, bị chết… Để hạn chế tình trạng thủy sản nuôi bị chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã đề nghị UBND thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An chỉ đạo các xã, phường tuyên truyền cho người dân không thả nuôi với mật độ dày, giãn khoảng cách lồng để tăng lưu thông nước, tránh hiện tượng bị thiếu ô xy cục bộ tại lồng nuôi.
Theo UBND thị xã Sông Cầu, nghề nuôi tôm hùm đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 4.000 hộ dân, với khoảng 10.000 lao động trực tiếp nuôi tôm hùm. Trong khi đó, nghề nuôi tôm hùm và các loại hải sản khác cũng đang chiếm tỷ trọng dư nợ lớn ở địa phương.
Trao đổi với thoibaonganhang.vn, ông Hoàng Vũ Phi Phong, giám đốc Agribank thị xã Sông Cầu cho biết, toàn thị xã có 13 xã, phường, trong đó có nhiều địa phương tập trung phát triển nghề nuôi hải sản. Hiện nay, dư nợ của khách hàng nuôi tôm hùm chiếm đến 70% tổng dư nợ của chi nhánh. Những năm gần đây, nghề tôm hùm ở Sông Cầu đang được mùa, được giá. Bên cạnh đó, thức trả nợ của bà con địa phương cũng rất tốt.
Ngành Ngân hàng trên địa bàn Phú Yên đã nhanh chóng vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ bà con nuôi tôm thoát khỏi khó khăn và sớm ổn định sản xuất trở lại... |
Theo đại diện NHNN chi nhánh Phú Yên, ngay sau khi các hộ nuôi tôm hùm, hải sản ở địa phương bị thiệt hại nặng nề, ngành Ngân hàng trên địa bàn Phú Yên đã nhanh chóng vào cuộc, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ bà con thoát khỏi những khó khăn và sớm ổn định sản xuất trở lại...
Trước đó, qua tổng hợp báo cáo của các TCTD, toàn tỉnh Phú Yên có 8 ngân hàng cho vay nuôi tôm hùm, dư nợ khoảng 1.418,4 tỷ đồng với 5.986 hộ dân; trong đó, 4 ngân hàng phát sinh khách hàng thiệt hại, dự nợ thiệt hại thực tế khoảng 25,2 tỷ đồng với 119 hộ dân.
Trước những thiệt hại của bà con, NHNN chi nhánh Phú Yên đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động thực hiện một số giải pháp bước đầu để hỗ trợ khách hàng như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, cho vay bổ sung vốn để hỗ trợ khách hàng ổn định, vượt qua khó khăn. Đến nay, các TCTD trên địa bàn đã hỗ trợ 42 khách hàng thiệt hại trong sự cố tôm hùm nuôi chết hàng loạt ở thị xã Sông Cầu, với dư nợ gần 9,4 tỷ đồng. Trong đó, 9 khách hàng được gia hạn nợ với dư nợ 450 triệu đồng; 2 khách hàng được miễn giảm lãi với dư nợ 5,5 tỷ đồng và 13 khách hàng được cho vay mới với dư nợ 2,42 tỷ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên đã áp dụng các giải pháp xử lý nợ rủi ro theo quy định riêng, gồm: gia hạn nợ đối với khách hàng có mức độ thiệt hại về vốn và tài sản dưới 40%; khoanh nợ đối với khách hàng có mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40-100%...
Hiện, các TCTD trên địa bàn Phú Yên đang tiếp tục theo dõi và tạo điều kiện cho vay mới đối với khách hàng nuôi trồng hải sản có nhu cầu, cho vay lãi suất ưu đãi để người dân sớm có điều kiện phục hồi sản xuất.