Nhiều nền kinh tế lo nhân dân tệ rớt giá
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc mạnh do các biện pháp đóng cửa để kiểm soát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế và tiêu dùng; trong khi kinh tế toàn cầu suy yếu cũng ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu, cộng thêm sự yếu kém của thị trường bất động sản trong nước.
Nhân dân tệ đã có tháng giảm thứ 6 liên tiếp trong tháng 8 |
Theo đó trong quý II vừa qua tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 2,6% so với quý đầu năm và chỉ 0,4% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong ít nhất là 2 năm qua. Tính chung trong nửa đầu năm, kinh tế Trung Quốc cũng chỉ tăng trưởng có 2,5%. Nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo Trung Quốc khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay.
Kinh tế giảm tốc, trong khi đồng USD lại tăng giá mạnh nhờ sự hậu thuẫn bởi động thái tăng nhanh lãi suất của Fed đã đẩy đồng nhân dân tệ lao dốc. Theo đó đồng nhân dân tệ đã ghi nhận tháng giảm giá thứ 6 liên tiếp trong tháng 8, chuỗi thời gian giảm giá dài nhất kể từ tháng 10/2018 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên đến cao trào.
Mặc dù thời gian gần đây Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã có nhiều biện pháp để hãm lại đà giảm giá của đồng nội tệ như ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ so với USD ở mức cao hơn, nhưng chiến thuật đó không mấy hiệu quả.
Hiện nhiều định chế tài chính như: Societe Generale, Nomura Holdings và Bank of America dự báo đồng nhân dân tệ có thể xuyên thủng ngưỡng tâm lý là 7 CNY/USD trong năm nay.
Đáng chú ý việc đồng nhân tệ rớt giá không chỉ khiến Trung Quốc, mà cả nhiều nền kinh tế mới nổi ở châu Á, thậm chí là tận châu Phi hay châu Mỹ Latinh cũng lo ngại bởi sự rớt giá của đồng tiền này đã tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu của các quốc gia này.
Đó là một sự đảo chiều tình cảm đáng kinh ngạc đối với đồng nhân dân tệ - đồng tiền vốn được xem là một tài sản trú ẩn an toàn khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Khi đó đồng nhân dân tệ là đồng tiền duy nhất trong số các nền kinh tế mới nổi tránh được sự sụt giảm, giao dịch ở mức cao nhất gần 4 năm so với chỉ số chuẩn của MSCI Inc. Nhu cầu toàn cầu về đồng nhân dân tệ ngày càng sâu sắc, từ các quốc gia như Nga và Ảrập Xêút đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, cho tới các nhà đầu tư trái phiếu Mỹ đang tìm kiếm nơi trú ẩn mới. Nhưng một tháng trở lại đây, tình cảm với đồng tiền này đã đảo chiều.
Việc đồng nhân dân tệ suy yếu đã gây ra những tác động lớn hơn đối với các thị trường mới nổi, vốn đã phải chịu đựng hai năm lạm phát tăng cao, lo lắng về việc thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang và triển vọng suy thoái ở các thị trường phương Tây quan trọng.
“Với việc đồng nhân dân tệ suy yếu hơn nữa, các thị trường mới nổi khác sẽ phải đối mặt với áp lực giảm giá đối với đồng tiền của họ”, Per Hammarlund, chiến lược gia chính về thị trường mới nổi tại Skandinaviska Enskilda Banken cho biết. “Tác động sẽ được cảm nhận nhiều nhất bởi các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc về xuất khẩu”.
Do chiếm tỷ trọng 30% trong Chỉ số tiền tệ các thị trường mới nổi MSCI, nên việc rớt giá của đồng nhân dân tệ đã đẩy chỉ số này lên mức tồi tệ nhất kể từ năm 2015. Trên thực tế, mối tương quan dao động trong 120 ngày của đồng nhân dân tệ ở nước ngoài với thế giới mới nổi dao động gần mức cao nhất trong hai năm đã nhấn mạnh tác động của nó.
Goldman và Societe Generale cho rằng đồng nhân dân tệ yếu hơn có thể kéo đồng won của Hàn Quốc, đôla Đài Loan, đồng baht của Thái Lan, đồng ringgit của Malaysia và đồng rand của Nam Phi giảm theo. Trong khi SEB coi đồng peso Mexico, forint Hungary, leu Romania và lira Thổ Nhĩ Kỳ là những đồng tiền dễ bị tổn thương nhất.
“Mối liên kết thương mại và tài chính đã tăng cường đáng kể giữa Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác, nổi bật trong thập kỷ qua”, Phoenix Kalen - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Societe Generale cho biết. “Những mối quan hệ gắn bó sâu sắc này khiến tình hình khó khăn hơn nhiều đối với các loại tiền tệ của thị trường mới nổi toàn cầu trong việc tách khỏi Trung Quốc”.