Nhiều nhà đầu tư “bất động” trên thị trường nhà đất
Chấp nhận lỗ cũng khó đẩy hàng
Giá bất động sản tăng quá cao, tính thanh khoản không còn khiến nhà đầu tư mua vào thì dễ nhưng để bán ra được thì vô cùng khó khăn. Chị Hoàng Yến (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) từ người có tiền tỷ trong tay chị đã phải trở thành “con nợ” vì bất động sản. Từ cuối năm 2021, thấy bạn bè kéo nhau về Đông Anh mua đất, chị cũng quyết định đầu tư tại đây dù giá đã ở mức rất cao vì tin vào lời đồn có kế hoạch quy hoạch đô thị ven sông Hồng. Còn thiếu một khoản tiền không nhỏ nhưng chị đã không ngần ngại vay tiền mua, mỗi tháng trả gốc, lãi hơn 60 triệu đồng. Nhưng giờ kinh tế gia đình khó khăn, chị chỉ cần bán được đất để “về bờ”, thu hồi lại được vốn kể cả lỗ 10% chị cũng chấp nhận.
Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, anh Đình Tuấn đã đăng tin rao bán một mảnh đất ở huyện Nhà Bè với diện tích 94 m2, giá khoảng 60 triệu đồng/m2 suốt 3 tháng nhưng không ai mua. Vì có nhu cầu cần dùng lượng tiền lớn anh quyết định giảm giá còn 52 triệu đồng/m2, mức giá này đã thấp hơn khoảng 10% với giá bán trong cùng khu vực nhưng vẫn chưa thấy có ai đến hỏi.
Cần phải xác định rõ thị trường đang thiếu hụt sản phẩm nào, nhu cầu thực của người dân đang cần gì |
Không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà môi giới bất động sản cũng lâm vào tình trạng khó mua/bán. Anh Phan Hiếu, một nhà môi giới bất động sản tại các vùng ven trung tâm TP. Hà Nội cho biết, Thạch Thất từng là điểm “nóng” phân lô, tách thửa, bán nền được các nhà đầu tư lớn săn đón, có lúc giá đã chạm ngưỡng 24 triệu đồng/m2 mà không đáp ứng đủ nguồn cung; khu vực Nhật Tân - Nội Bài từng được chào bán lên tới 150 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, hai khu vực này và nhiều vùng khác giá đất đã đứng im, thanh khoản không cao, có nơi rao bán cắt lỗ khoảng 5 - 10% để thu hồi vốn nhưng lượng giao dịch cũng không nhiều, thậm chí không bán được.
Giám đốc một sàn môi giới bất động sản chia sẻ, làm bất động sản nhiều năm, ông chưa thấy năm nào khó khăn như năm nay, khi tâm lý nắm giữ tiền mặt chờ nghe ngóng thị trường đang chiếm ưu thế. Các chủ đầu tư muốn bán hàng mới cũng khó, nhà đầu tư muốn bán hàng cũ cũng không dễ dàng gì. Cùng chung nhận định, ông Lê Đình Chung, Phó Tổng giám đốc Hải Phát Land đánh giá, thị trường đang chững lại, tình trạng sốt đất đã không còn tiếp diễn. Do đó, thị trường bất động sản thời điểm này đang ở tình trạng bán ra cũng khó, các nhà đầu tư mua vào cũng hết sức thận trọng.
Thị trường có dấu hiệu chững lại
Hơn nữa, một số chuyên gia chỉ ra rằng, thị trường bất động sản đang diễn ra nghịch lý cung cầu giữa người mua và người bán. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam phân tích, trước đó, dòng tiền chủ yếu phân bố vào các dạng bất động sản đầu cơ nên đẩy giá nhà tăng quá nhanh. Đặc biệt, dòng tiền đổ mạnh vào đất nền, phân khúc mang tính đầu cơ cao. Lượng giao dịch đất nền đến từ “hàng lậu” kiểu tự phân lô, tách thửa, bán nền trái phép gấp nhiều lần số sản phẩm chính thống. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp rất cao nhưng không được chú trọng, dẫn đến thiếu nguồn cung cho phân khúc này.
Theo báo cáo vừa được Bộ Xây dựng công bố, thị trường bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2022 chưa có sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại. Số lượng dự án nhà ở thương mại trong quý I được cấp phép mới giảm 59% so với cùng kỳ. Do thiếu hụt nguồn cung mới, giá bán sơ cấp tại các khu vực đô thị trọng điểm như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng.
Khó khăn chưa qua, thách thức lại tới với ngành bất động sản trong 6 tháng cuối năm. TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư Công ty Savills Việt Nam chỉ ra 3 vấn đề chính, đó là nguồn cung ít, giá bán vẫn “neo” ở mức cao, nhưng tính thanh khoản chậm. Nguyên nhân đến từ việc quỹ đất hiện không phát triển được các dự án mới, gặp khó khăn và ách tắc về vấn đề pháp lý, cũng như nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao.
Để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, Bộ Xây dựng đang khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị…; theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời thực hiện giải pháp làm lành mạnh thị trường khi cần thiết; tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp…; rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định…
Về phía các doanh nghiệp, nhà cung cấp sản phẩm bất động sản, các chuyên gia cho rằng, cần phải xác định rõ thị trường đang thiếu hụt sản phẩm nào, nhu cầu thực của người dân đang cần gì. Từ đó, cân đối danh mục đầu tư để đưa ra những sản phẩm thị trường và người dân cần với mức giá phù hợp. Hơn nữa, các cơ quan quản lý cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung nguồn cung mới, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân bằng việc tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ phê duyệt các dự án bất động sản tại Việt Nam.