Nhiều tổ chức quốc tế hạ triển vọng kinh tế toàn cầu
Hạ và tiếp tục hạ
Trong báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định kinh tế toàn cầu đang mất đà tăng trưởng trong năm 2022. Sau khi phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, tăng trưởng của kinh tế thế giới bị ảnh hưởng mạnh bởi cuộc xung đột tại Ukraine, các đợt bùng phát liên tục của dịch Covid-19 tại một số khu vực trên thế giới và áp lực tăng giá năng lượng và thực phẩm. GDP toàn cầu trì trệ trong quý II/2022 và giá trị sản xuất của các nền kinh tế G20 đều giảm.
Mặc dù dự báo tăng trưởng quý III/2022 vẫn tương đối tích cực do có hỗ trợ bởi tăng trưởng ở Trung Quốc, nhưng lại xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thế giới sẽ chuyển biến theo chiều hướng xấu hơn. Vì vậy, OECD vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của thế giới trong năm 2022 ở mức 3%, nhưng đã hạ xuống mức 2,2% trong năm 2023 (giảm 0,6% so với dự báo vào tháng 6/2022).
Nhiều tổ chức tiếp tục hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 |
Trước đó, theo báo cáo “Liệu cuộc suy thoái toàn cầu có xảy ra?” phát hành vào tháng 9/2022 của WB, dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 và 2023 đã bị hạ thấp đáng kể so với thời điểm đầu năm 2022.
Cụ thể, tháng 1/2022, WB dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 và 2023 là 4,1% và 3,3%; đến tháng 8/2022, đã giảm xuống, chỉ còn 2,8% và 2,3%. Theo đó, hơn 90% các nền kinh tế phát triển, 80% các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đều bị hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 và 2023.
Mặc dù những dự báo này không chỉ ra một cuộc suy thoái toàn cầu vào thời gian này, nhưng theo kinh nghiệm từ những cuộc suy thoái trước đó, có ít nhất hai nhân tố cảnh báo nó có thể sẽ diễn ra trong năm tới: thứ nhất, tăng trưởng toàn cầu suy yếu đáng kể trong năm trước; Thư hai, tất cả các cuộc suy thoái toàn cầu trước đây đều diễn ra ngay sau sự suy thoái mạnh hoặc hoàn toàn ở một số nền kinh tế lớn.
Tại báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 9/2022, Fitch Ratings nhận định, cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu đang ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng kinh tế thế giới. Fitch Ratings đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng, theo đó GDP toàn cầu năm 2022 được dự báo đạt 2,4%, điều chỉnh giảm 0,5% so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022.
Những nền kinh tế đầu tàu suy giảm
Theo báo cáo của OECD, tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ dự báo đạt 1,5% năm 2022, điều chỉnh giảm 1,0% so với dự báo đưa ra hồi tháng 6/2022. Trước tình trạng lạm phát cao và tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ tăng nhanh gây ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng kinh tế, Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ chỉ đạt 1,7% năm 2022, điều chỉnh giảm 1,2% so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022.
Duy chỉ có một dự báo tích cực trong ngắn hạn là theo Trading Economics, cập nhật ngày 27/9, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ quý III/2022 tăng 0,3% so với quý trước và tăng 1,3% so với quý III/2021.
Chỉ số PMI trong tháng 8/2022 của Hoa Kỳ được điều chỉnh giảm nhẹ so với số ước tính sơ bộ, ở mức 44,6 điểm, thấp hơn so với mức 47,7 điểm của tháng 7/2022. Chỉ số này phản ánh tháng giảm thứ hai liên tiếp của hoạt động kinh doanh khu vực tư nhân và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020.
Suy giảm trong hoạt động của khu vực dịch vụ được bù đắp bởi tăng trưởng nhẹ của ngành chế biến, chế tạo. Các nhà cung cấp dịch vụ ghi nhận sản lượng giảm mạnh và lượng đơn hàng mới giảm nhanh chóng xuống mức thấp nhất trong hai năm qua. Sản lượng và hoạt động kinh doanh mới của các nhà máy ở Hoa Kỳ cũng ghi nhận sự sụt giảm.
Với khu vực đồng euro, báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới ngày 1/9/2022 của Cơ quan kinh tế - xã hội của Liên Hiệp quốc (UNDESA) nhận định, các nền kinh tế khu vực này đã cho thấy khả năng chống chịu trước các tác động bất lợi từ xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Eurozone đang phải đối mặt với ba áp lực lớn: Khủng hoảng năng lượng, lạm phát cao và thắt chặt chính sách tiền tệ. GDP của khu vực này dự báo tăng 2,5% năm 2022, điều chỉnh giảm 0,2% so với dự báo đưa ra vào tháng 6/2022.
Nguy cơ đóng cửa hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga trong mùa đông này có thể dẫn đến thiếu năng lượng trầm trọng, khả năng cao sẽ đẩy Đức, Hungary và Italia rơi vào suy thoái. Sau khi có lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ vào tháng 7/2022, NHTW châu Âu (ECB) đã tiếp tục tăng mạnh lãi suất vào đầu tháng 9 này và nhiều khả năng tiếp tục tăng lãi suất tại các cuộc họp vào tháng 10 và 12 tới đây.
Báo cáo cập nhật của ADB gần đây cũng đã điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng khu vực đồng euro năm 2022 xuống còn 2,5%, giảm 0,8% so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2022. Dự báo lạm phát của Eurozone ở mức 7,9% trong năm 2022.
Triển vọng tăng trưởng của khu vực này sẽ chịu nhiều rủi ro hơn nếu cuộc xung đột leo thang ở Ukraine, đặc biệt là bế tắc chính trị ngày càng tồi tệ giữa EU và Nga có thể làm gián đoạn thêm nguồn cung năng lượng và làm chệch hướng sự phục hồi của khu vực đồng Euro.
Các xung đột cũng có thể khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao hơn dự kiến trong thời gian dài, do đó khiến lạm phát cũng bị đẩy lên và đè nặng xuống tăng trưởng.
Trong khi đó, việc chính sách tiền tệ được thắt chặt hơn, các điều kiện thanh khoản và căng thẳng gia tăng trên thị trường trái phiếu chính phủ cũng có thể làm giảm tăng trưởng.
Báo cáo mới nhất của OECD điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng euro từ mức 2,6% của dự báo tháng 6/2022 lên mức 3,1% trong năm nay. Theo Trading Economics, GDP quý III/2022 của Eurozone dự báo giảm 0,1% so với quý II/2022 và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số PMI tổng hợp trong tháng 8/2022 của khu vực đồng euro đạt 48,9 điểm, điều chỉnh giảm so với số liệu sơ bộ 49,2 điểm, phản ánh mức giảm lớn nhất của hoạt động khu vực tư nhân kể từ tháng 2/2022. Cả ngành dịch vụ và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm mạnh. Sự yếu kém trong hoạt động nói chung phản ánh nhu cầu giảm, với các đơn hàng mới cũng giảm với tốc độ nhanh hơn vào giữa quý III.
Với nền kinh tế Trung Quốc, OECD dự báo tăng trưởng năm 2022 là 3,2%, giảm mạnh 1,2% so với mức 4,4% theo dự báo đưa ra vào tháng 6/2022.
Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WB ngày 27/9/2022 dự báo, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt 2,8% năm 2022, điều chỉnh giảm 2,2% từ mức 5,0% của dự báo trong tháng 4/2022. Trong khi đó theo Trading Economics, GDP quý III/2022 của nền kinh tế này tăng 1,3% so với quý trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ số PMI tổng hợp của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 8/2022 đạt 53,0 điểm, giảm 1 điểm so với 54 điểm trong tháng 7/2022. Đây là mức thấp nhất trong 3 tháng qua do tác động của làn sóng lây nhiễm Covid gần đây và tình trạng thiếu hụt năng lượng sau đợt hạn hán lịch sử.