NHNN chỉ đạo triển khai đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả
Tại văn bản này, lãnh đạo NHNN đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ ngành Ngân hàng được giao tại Chỉ thị 29, trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm. Cụ thể, đối với các đơn vị thuộc NHNN, tiếp tục theo dõi sát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ, lạm phát trong và ngoài nước để chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp điều hành phù hợp nhằm đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo toàn hệ thống.
Trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hoà, chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác. Việc điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, bám sát mục tiêu CSTT đồng thời hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng thông qua tái cấp vốn. Lãi suất điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, tỷ giá sẽ được điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường ngoại tệ.
NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ ngành Ngân hàng được giao tại Chỉ thị 29 |
Cần theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng và đề xuất các biện pháp điều phối hợp lý để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả đảm bảo dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt, chỉ đạo các TCTD nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tín dụng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng; đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hoá thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hoá trong nước sản xuất.
Ngoài ra, tiếp tục theo dõi sát tình hình và đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (dự kiến quy mô triển khai Chương trình khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng).
Một nội dung quan trọng các đơn vị cần phải thực hiện là tiếp tục triển khai Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Song song với đó chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD, trung gian thanh toán tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch dữ liệu để đảm bảo 100% khách hàng cá nhân của các TCTD, trung gian thanh toán được đối chiếu với thông tin sinh trắc học trong thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử theo quy định về hoạt động thanh toán tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Các TCTD theo thẩm quyền chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức triển khai việc áp dụng giải pháp chấm điểm khả tín do Bộ Công an cung cấp trong hoạt động cho vay. Điều này không chỉ cải thiện hiệu quả trong công tác quản lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc cho vay, nhất là trong lĩnh vực tiêu dùng.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách của Nhà nước của các TCTD tiếp tục tăng cường góp phần bảo đảm các chính sách của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp; Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát định kỳ các TCTD theo kế hoạch, đặc biệt đối với các chương trình tín dụng ưu đãi.
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước; triển khai các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, đảm bảo truyền tải chính xác, đầy đủ, kịp thời những nội dung người dân và doanh nghiệp quan tâm.
7 nhiệm vụ trọng tâm cho TCTD kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Một là, tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, thực chất, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Chủ động tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nói chung và lĩnh vực cho vay đời sống, tiêu dùng hiệu quả, thực chất.
Hai là, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; tăng cường rà soát, áp dụng chuyển đổi số nhằm đơn giản hóa quy trình và thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hoá trong nước sản xuất. Tăng cường triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.
Ba là, rà soát, có giải pháp điều phối hiệu quả hoạt động tín dụng của các chi nhánh; quan tâm hỗ trợ các chi nhánh tại các địa phương đang có tăng trưởng tín dụng thấp/âm trong tiếp cận khách hàng để điều chỉnh chính sách cho hợp lý.
Bốn là, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tiếp tục rà soát, đánh giá, tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để xem xét giảm thêm lãi suất cho vay. Tiếp tục thực hiện công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm (nếu có) trên website của ngân hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN.
Năm là, tích cực, chủ động triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN. Trong đó, đẩy mạnh giải ngân Chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP, góp phần thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Đồng thời, tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN...
Sáu là, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, mô hình kinh doanh sáng tạo để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, gia tăng trải nghiệm khách hàng trên nền tảng số hóa, kết nối, tích hợp liền mạch với các dịch vụ thuộc ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số.
Bảy là, tích cực chủ động thực hiện hoạt động truyền thông chính sách, đặc biệt là các cơ chế chính sách mới về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Chú trọng truyền thông rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD đến công chúng; nâng cao kiến thức, kỹ năng cho khách hàng nhằm giảm rủi ro trong sử dụng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng sản phẩm dịch vụ...