NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc tăng cường kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp
Bổ nhiệm Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc | |
NHNN Vĩnh Phúc triển khai nhiệm vụ năm 2023 |
Tham dự Hội nghị có bà Kim Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN; bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc; ông Phạm Quang Thắng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc; ông Lê Quang Vinh, Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; lãnh đạo các Sở Tài Chính, Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh…
Toàn cảnh Hội nghị. |
Cùng tham gia Hội nghị có Ban giám đốc, các đồng chí trưởng phòng, cán bộ thanh tra giám sát, giám đốc chi nhánh các tổ chức tín dụng trên địa bàn... và trên 60 khách hàng là các doanh nghiệp và hiệp hội các doanh nghiệp trên địa bàn. Chủ trì hội nghị là ông Hoàng Duy Chinh, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại Hội nghị, NHNN tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (chương trình) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua, theo đó chương trình là một trong những nhiệm vụ được NHNN Việt Nam, UBND tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm chỉ đạo và được NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh triển khai kịp thời đến các chi nhánh, tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trên địa bàn từ năm 2014 đến nay.
Qua chương trình, đã kết nối kịp thời và có các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến thời điểm 31/12/2022, nguồn vốn huy động đạt 109.581 tỷ đồng, tăng 13,74% so cuối năm 2021; dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 115.788 tỷ đồng, tăng 13,47% so với 31/12/2021, tập trung vào cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển, chiếm tỷ lệ 86,2% tổng dư nợ. Riêng đối với đối tuợng khách hàng doanh nghiệp, hết năm 2022, ngành Ngân hàng tỉnh cho vay đối với 3.300 doanh nghiệp, dư nợ đạt 49.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 48,84% tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 16,36% so với năm 2021.
Bên cạnh những kết quả tích cực mà chương trình đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc lớn như:
(1) Nhiều doanh nghiệp có quy mô hoạt động nhỏ lẻ; năng lực tài chính yếu; giá trị tài sản đảm bảo thấp hoặc không có; các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ khả năng lập dự án chi tiết hoặc khó triển khai phương án, dự án... do đó gặp rất nhiều khó khăn trong khâu hoàn thiện hồ sơ và thẩm định của ngân hàng đảm bảo đúng quy định.
(2) Các quy định về thế chấp đất doanh nghiệp trong Luật Đất đai hiện hành còn nhiều bất cập nên doanh nghiệp khó có thể sử dụng tài sản là đất thuê của doanh nghiệp để thế chấp vay vốn ngân hàng.
(3) Báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp chưa minh bạch, chưa đủ độ tin cậy, chưa có kiểm toán độc lập nên ảnh hưởng đến quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn ngân hàng.
(4) Một số ngành nghề đặc thù (như thi công xây lắp, xây dựng) khó đáp ứng được điều kiện tín dụng.
(5) Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, nhu cầu cần hỗ trợ lớn, song không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.
(6) Có khoảng 70% dự án bất động sản đang gặp vướng mắc về mặt pháp lý, khiến doanh nghiệp bất động sản khó khăn với việc tiếp cận vốn ngân hàng.
Cuối cùng, về phía ngân hàng, từ quý IV/2022 do áp lực lạm phát, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn đến 6 tháng. Việc tăng lãi suất huy động có thể tạo áp lực tăng chi phí vay vốn của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác huy động vốn những tháng đầu năm thường gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do chu kỳ kinh doanh của các doanh nghiệp thường cần vốn vào giai đoạn này...
Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để đối thoại về các nội dung mà doanh nghiệp quan tâm. Tại Hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp có ý kiến nêu lên các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tiếp cận vốn của doanh nghiệp như: lãi suất vay còn cao; thời hạn vay còn ngắn; việc định giá tài sản thế chấp là đất thuê của doanh nghiệp không được tính giá trị tài sản bảo đảm gây khó khăn cho doanh nghiệp khi vay vốn; việc tiếp cận vốn vay hỗ trợ lãi suất 2% theo nghị định 31 của Chính phủ còn khó khăn…
Trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, các chi nhánh tổ chức tín dụng đã giải đáp cụ thể, rõ ràng; cung cấp cho các doanh nghiệp nhiều thông tin về các gói tín dụng ưu đãi đã và đang triển khai dành cho doanh nghiệp trong năm 2023.
Một số nội dung phản ánh kiến nghị chung và vượt thẩm quyền đã được Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh giải đáp, tiếp thu để kiến nghị với tỉnh và NHNN Việt Nam và sẽ phản hồi nhanh nhất đến doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội doanh nghiệp tỉnh đã ghi nhận và cảm ơn việc tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp của NHNN tỉnh, cũng như sự quan tâm hỗ trợ về vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn, qua đó đã giúp các doanh nghiệp trên địa bàn khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc và mong muốn thời gian tới đây ngân hàng và doanh nghiệp sẽ có tiếng nói chung để hoạt động của cả hai bên đạt nhiều hiệu quả hơn nữa.
Ông Hoàng Duy Chinh, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng trong thời gian tới, ông Hoàng Duy Chinh, Giám đốc NHNN tỉnh Vĩnh Phúc kết luận Hội nghị đã đưa ra một số giải pháp:
Thứ nhất, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, hiệp hội trên địa bàn thường xuyên rà soát tình hình tiếp cận vốn của các doanh nghiệp để nắm bắt, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình vay vốn của khách hàng, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời, thỏa đáng cho doanh nghiệp.
Thứ hai, NHNN tỉnh chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của Chính phủ và NHNN, đồng thời tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; chủ động làm việc với khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, NHNN sẽ thành lập đường dây nóng và chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng thành lập đường dây nóng (điện thoại, email) tại đơn vị mình để tiếp nhận phản ánh, giải đáp kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, NHNN tỉnh sẽ chủ động theo dõi, phối hợp chặt chẽ với Vụ Truyền thông NHNN nắm bắt các vấn đề dư luận quan tâm, các vấn đề phát sinh trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn để có giải pháp tuyên truyền phù hợp; kịp thời báo cáo NHNN Việt Nam, UBND tỉnh Vĩnh Phúc những vấn đề phức tạp, vượt thẩm quyền để được hướng dẫn xử lý.
Và cuối cùng, NHNN tỉnh sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mà doanh nghiệp có ý kiến phản ánh có đủ điều kiện nhưng tổ chức tín dụng không cho vay, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng, thu thêm các khoản phí sai quy định, đẩy lãi suất cho vay lên cao gây khó khăn cho doanh nghiệp.