Những "cần câu" giúp thoát nghèo
Gia đình chị H’Loét Niê, ở buôn Ea Knốp, xã Cư Ni, huyện Ea Kar (Đăk Lăk) là một điển hình. Trước đây, gia đình H’Loét Niê thuộc diện khó khăn nhất nhì của xã Cư Ni. Song sau hơn 2 năm được Hội Phụ nữ địa phương tư vấn tiếp cận nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Ea Kar để đầu tư cho hoạt động chăn nuôi lợn, gia đình chị H’Loét Niê đã từng bước có thu nhập ổn định.
Hiện H’Loét Niê đã mua thêm 5 sào đất để trồng lúa nước, cuộc sống gia đình H’Loét Niê khá ổn định, đã xây dựng nhà cửa khang trang và nuôi các con ăn học…
Chuồng bò của gia đình chị H’Loét Niê. (Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) |
Hay như trường hợp hộ ông Cát Nông Lào, ở Buôn Tul A, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk), thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, được NHCSXH cho vay chương trình hộ nghèo về nhà ở với số tiền 25 triệu đồng và được vay vốn tín dụng chính sách với số tiền 45 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo về nuôi bò sinh sản. Hiện nay, gia đình ông Cát Nông Lào đã có nhà ở ổn định và chăn nuôi được 6 con bò. Thu nhập hàng năm trừ chi phí, lợi nhuận trên 20 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc NHCSXH tỉnh Đăk Lăk, năm 2021, Đăk Lăk có 44.196 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với số tiền 1.537 tỷ đồng.
Đến nay, trên địa bàn có 159.506 khách hàng còn dư nợ tín dụng chính sách, với tổng dư nợ 5.624 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với cuối năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng đạt 7,65%. Một số chương trình có dự nợ cao là cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo 3.143 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 55,9%), nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 783 tỷ đồng (13,9%), cho vay hộ sản xuất kinh doanh và thương nhân tại vùng khó khăn 875,7 tỷ đồng (15,6%)… Nguồn vốn từ các chương trình này đã góp phần tích cực vào cải thiện thu nhập của người nghèo, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội địa phương.
Ông Ân cho rằng, để có được kết quả đó, NHCSXH tỉnh Đăk Lăk thường xuyên quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn; thường xuyên phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng tại từng đơn vị để chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp với từng địa bàn. Cùng với đó, thường xuyên rà soát, xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng theo quy định nên chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì và nâng cao.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Đăk Lăk đánh giá cao kết quả của NHCSXH Đăk Lăk triển khai thực hiện trong thời gian qua. Qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, khắc phục những khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.