Những người giữ lửa nghề đậu bạc Định Công
Kinh doanh điện tử: Làng nghề truyền thống bắt nhịp xu hướng mới | |
Phát triển làng nghề đá chẻ Hòa Sơn | |
TP. Hà Nội: Các làng nghề cần được hỗ trợ |
Tỉ mỉ và tâm huyết
Những ngày cuối tháng 5 nắng lửa, trong xưởng đậu bạc, nghệ nhân Quách Văn Trường cùng con trai Quách Phan Tuấn Anh và 17 thợ vẫn miệt mài công việc đậu bạc để kịp trả hàng. Kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ rất cao, khi làm phải đều tay, các chi tiết hài hòa, cân xứng. Cùng là làm hàng thủ công mỹ nghệ nhưng nghề bạc lại chia làm 3 công đoạn là trơn, chạm, đậu. Trong đó đậu là khó nhất. Nghề bạc có ở nhiều địa phương trên cả nước ta, nhưng đậu bạc thì chỉ duy nhất có ở làng Định Công. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ VI, thời Tiền Lý, làng Định Công có ba anh em Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa. Họ học được nghề làm đồ trang sức bằng vàng bạc (nghề đậu bạc) và mở cửa hàng lấy tên là “Kim hoàn”. Nhờ cần cù, khéo léo nên sản phẩm họ làm ra rất tinh xảo. Ba anh em dạy dân làng cùng làm nghề, truyền từ đời này sang đời khác. Từ đó, nghề làm vàng bạc làng Định Công được khắp nơi biết đến.
Trong dòng chảy ồn ã vẫn có những người gìn giữ nghề cổ |
Để ghi nhớ công ơn tiền nhân, dân làng Định Công lập đền thờ ba anh em họ Trần. Vào ngày 12 tháng Hai âm lịch hằng năm tổ chức lễ hội tri ân ba vị tổ nghề. Hiện nay, đền thờ tổ nghề kim hoàn nằm trên một vùng đất rộng, chung khuôn viên với đình Định Công Thượng. Nghệ nhân Quách Văn Trường cũng là người trông giữ đền thờ.
Với lịch sử khoảng 1.500 năm, nghề đậu bạc Định Công có nhiều nét độc đáo so với các làng nghề khác như Châu Khê (Hải Dương), Đồng Xâm (Thái Bình).
Nghệ nhân Quách Văn Trường giải thích về các “ngón nghề” của làng bạc: Chạm tức là chạm trổ các hình vẽ, hoa văn, họa tiết trên mặt các đồ trang sức hoặc các sản phẩm bằng vàng bạc như các loại chóp nón, kiềng, vòng, khánh, ống vôi, ống nhổ... Kỹ thuật đậu tức là kéo vàng bạc đã nung chảy thành sợi rồi từ những “sợi chỉ” này kết hình hoa lá, chim muông gắn vào đồ trang sức. Tiếp đó là kỹ thuật trơn, người thợ không cần chạm trổ mà phải “cườm” cho sản phẩm nhẵn, bóng, trơn. Thợ kim hoàn lành nghề phải giỏi cả ba kỹ thuật chuyên môn trên và biết thủ thuật luyện kim cổ truyền. Theo kinh nghiệm, muốn có vàng tốt, tức là vàng đủ 10 tuổi, người thợ phải nắm được kỹ xảo cổ truyền gọi là “chở vàng”.
Những người giữ nghề tổ tiên
Theo thời gian, nghề đậu bạc Định Công dần bị mai một. Từ năm 1972 trở đi thì suy thoái nặng nề. Là người con của làng, có lửa nghề, lại được truyền nghề từ ông nội và cha, nên nghệ nhân Quách Văn Trường đã quyết tâm tìm cách khôi phục. Cơ duyên để vực dậy lại làng nghề đến với nghệ nhân Quách Văn Trường một cách hoàn toàn tự nhiên. Vào năm 1983, một Festival quốc tế ở Nga bằng cách nào đó đã biết đến nghề thủ công mỹ nghệ ở Định Công nên đã đặt làm sản phẩm hoa bướm đậu bằng đồng cài ve áo để làm quà lưu niệm. Ông Trường nghĩ rằng, đây là cơ hội hiếm có để vực nghề. Vậy là ông đi gặp những người còn giỏi nghề để làm sản phẩm như đã hợp đồng.
Nhưng rồi sau đó, để “nuôi” nghề lại không hề đơn giản vì khi tiếng tăm của làng nổi hơn, nhiều đơn đặt hàng gửi về, lại không đủ thợ giỏi để triển khai công việc. Vậy nên ông Trường đã mở những lớp dạy nghề, kể cả dạy người ngoài làng nhưng cũng rất ít người đến học. Ngay tại làng, hiện nay cũng chỉ có xưởng của ông với tổng 19 người làm và xưởng của nghệ nhân Quách Văn Hiểu với 3 người làm, là còn hoạt động sôi nổi và làm không hết việc.
Nếu nghệ nhân Quách Văn Trường là người có công gây dựng lại nghề truyền thống thì nghệ nhân Quách Văn Hiểu là người quảng bá đưa hình ảnh nghề đậu bạc tới gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế. Các tác phẩm của ông tham gia triển lãm đạt được giải thưởng quan trọng tại Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2004. Đây cũng là lần đầu tiên làng nghề Định Công đoạt Huy chương Vàng với tác phẩm “Hộp tú cầu đậu bạc”. Sau đó, năm 2008, tác phẩm “Hộp quạt Xuân Hương” của nghệ nhân Quách Văn Hiểu là một trong 6 tác phẩm đoạt giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ các nước trong khối ASEAN và là tác phẩm duy nhất của Việt Nam đoạt giải. Đây cũng là tác phẩm đoạt giải tại triển lãm ứng dụng kỹ thuật toàn quốc lần thứ 2 năm 2009. Chỉ cho khách xem các sản phẩm đậu bạc từng đoạt giải trong nước và quốc tế như “Hộp quạt Xuân Hương”, “Hộp tú cầu đậu bạc”, “Ví xách tay” cùng những sản phẩm khác, nghệ nhân nhân dân Quách Văn Hiểu giải thích lý do đậu bạc Định Công được người xưa công nhận là một trong bốn nghề tinh hoa nhất đất Thăng Long. Nghệ nhân ví von, sản phẩm đậu bạc như những tấm vải the, cả hai mặt đều mảnh mai, nhẹ nhàng như nhau, chỉ có bàn tay người thợ đậu bạc ở Định Công mới làm được. Đáng mừng hơn, năm 2006, những người thợ đậu bạc làng Định Công với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng đã thành lập Chi hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý Định Công để cùng liên kết và hỗ trợ nghề truyền thống phát triển.
Là người tiếp nối nghề cha ông, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, con trai nghệ nhân Quách Văn Trường, đã tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân ở hai chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Luật, nhưng chàng trai sinh năm 1981 này lại quyết định ở nhà nối nghiệp cha làm thợ đậu bạc. Ngay từ nhỏ, Tuấn Anh đã được tiếp xúc với nghề, từ khâu nấu bạc, kéo bạc thành sợi đến tết sợi thành sản phẩm hoàn chỉnh. Lúc đầu chỉ làm cho vui, mãi đến khi học năm cuối đại học thì Tuấn Anh mới dần cảm thấy yêu hơn công việc mà cha đang làm. Anh kể: “Lần ấy, có người đến đặt hàng hơn một nghìn sản phẩm. Nhưng bố tôi từ chối vì một mình ông không thể đảm nhận hết việc. Tôi tiếc lắm. Từ đó, suy nghĩ phải làm một cái gì đó cứ thôi thúc tôi”.
Ông Nguyễn Văn Hải, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Định Công, cho biết các nghệ nhân của làng giàu tâm huyết đã gìn giữ được nghề của cha ông. Đó là điều người dân nơi đây rất đỗi tự hào.